Từ một status trên Facebook

09/11/2015 10:23 GMT+7

Tính tôi thích ngồi lai rai nhưng nếu được chọn tôi sẽ không vào quán quá đông người. Cũng giống như việc tôi thích lang thang trên Facebook nhưng lại dị ứng với thói: “ăn theo, nói leo”, ném đá hội đồng trên mạng ảo. Vậy mà thói quen “lướt phây” đã có lúc cho tôi trúng quả!

 

Tính tôi thích ngồi lai rai nhưng nếu được chọn tôi sẽ không vào quán quá đông người. Cũng giống như việc tôi thích lang thang trên Facebook nhưng lại dị ứng với thói: “ăn theo, nói leo”, ném đá hội đồng trên mạng ảo.

Vậy mà thói quen “lướt phây” đã có lúc cho tôi trúng quả!

Đó là một buổi tối giữa tháng 9, cơm nước xong xuôi, tôi lại lượn Face. Nghía qua hết những hỉ nộ ái ố của bạn bè, toan tắt điện thoại, tôi bỗng giật mình bởi một câu cảm thán, kèm 3 tấm hình minh họa của một đứa em đang sinh sống ở vùng biên Lao Bảo ở miền tây Quảng Trị: “Nghe nhiều rồi nhưng chiều nay mới thấy mấy dân Tàu đi bắt giun. Chúng đổ chất gì xuống đất mà mấy phút sau giun bò lên lổm ngổm. Quá kinh tởm!”.

Hình ảnh "công nghệ" bắt giun do cậu em share lên Facebook

Cả đêm đó tôi cứ trằn trọc, chờ trời sáng thật nhanh để phóng xe máy lên Lao Bảo, tiếp cận vụ việc để viết một bài ở mức độ phản ánh, cảnh báo. Nhưng diễn biến thực tế đã làm cho bài viết của tôi thuyết phục, chân thật hơn gấp bội.

Khoảng 7 giờ 30 phút sáng hôm sau, tôi đã có mặt tại thị trấn vùng biên, nhận “hàng” của cậu em là toàn bộ hình ảnh về vụ việc mà cậu chụp được bằng điện thoại. Tiếp đó, tôi đến khoảnh đất thuộc bản Ka Tăng nơi thương lái Trung Quốc vừa “biểu diễn” bắt giun chiều qua để quay phim, chụp ảnh hiện trường và phỏng vấn những người dân địa phương chứng kiến vụ việc. Nhưng đã có một tình huống tôi không hề lường trước, đó chính là việc 2 thương lái nọ đã bất ngờ quay lại hiện trường.

Đây là đồ nghề của mấy anh bạn láng giềng

Lập tức tôi cất máy ảnh vào túi, chỉ cầm điện thoại và quay sát xem họ định làm gì. Thú thực, ban đầu tôi cũng hơi lo, vì thấy 2 người này khá bự con, trên mình lại có xăm trổ hổ báo rất dữ dằn. Quan sát một lúc, tôi liền gọi điện cho Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trình báo vụ việc. Vài phút sau, thiếu tá Lê Văn Hồng, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, mặc thường phục chạy xe máy đến hiện trường. Tôi xáp lạc méc. Anh Hồng bảo: “Giờ ập ra cũng được vì 2 người này vào vùng biên giới mà không trình báo. Nhưng cứ để vậy xem họ làm gì tiếp theo cái đã”. Chúng tôi đứng quan sát chừng 10 phút thì 2 thương lái lên xe máy chuẩn bị di chuyển. Lúc này, anh Hồng lập tức chuyển phương án, cùng đồng đội áp sát mời cả 2 về đồn làm việc.

Tại cơ quan chức năng, thương lái Trung Quốc và phiên dịch người Việt đã khai danh tính và nói mục đích đi bắt giun là để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Ngoài ra cơ quan chức năng phát hiện tại khách sạn nơi cả 2 đang lưu trú nhiều gói hóa chất và nhiều bộ kích điện (tất cả bao bì đều ghi chữ Trung Quốc). Sau đó, Đồn biên phòng này đã tiến hành xử phạt hành chính 2 người này và trục xuất về nước luôn.

Kể thêm, bài viết của tôi đã được đăng hoành tráng trên báo in, ngay vào sáng hôm sau. Nhuận bút của bài viết không tiện tiết lộ nhưng đó là mức nhuận bút cao nhất của tôi được trả cho 1 bài viết từ khi vào báo Thanh Niên được 6 năm. Chưa hết, tôi còn được Ban Biên tập còn thưởng “nóng” vì khai thác tốt đề tài này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.