Theo ông Lê Thanh Phong, bộ luật Tố tụng dân sự 2015, luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị quyết 04/2016 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quy định về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa tòa án, đương sự và người tham gia tố tụng khác. Vì vậy, sau một năm chuẩn bị đề án và 2 tháng thử nghiệm thì từ 1.8 tới, đề án tống đạt điện tử sẽ chính thức vận hành.
Về ưu điểm của phương thức tống đạt điện tử, ông Phong cho rằng sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách, khi hình thức này thay thế tống đạt qua thư bảo đảm, hoặc văn phòng thừa phát lại. Đồng thời, sẽ phù hợp với chủ trương xây dựng tòa án điện tử của TAND tối cao.
Triển khai đề án, Phó chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Dung cho hay TAND TP.HCM thụ lý trên 20.000 vụ án/năm (dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động). Số lượng vụ việc phải tống đạt theo phương thức trực tiếp, tống đạt qua người thứ ba, hoặc niêm yết, ủy thác tư pháp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hằng năm, khoản chi phí này ở các tòa đều cao hơn ngân sách được cấp. Vì vậy, hình thức tống đạt điện tử khi thực hiện song song cùng với các hình thức tống đạt phổ thông sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các bên liên quan, cũng như giảm một phần ngân sách nhà nước.
Về hình thức tống đạt điện tử, bà Dung nêu sẽ được thực hiện thông qua hộp thư email. Theo đó, mỗi thẩm phán, thư ký sẽ được cấp một địa chỉ email để làm hộp thư phục vụ cho việc tống đạt. Đồng thời, khi đương sự tự nguyện đồng ý hình thức tống đạt điện tử này, được thể hiện qua đơn khởi kiện, đơn đề nghị hoặc văn bản ghi ý kiến, thì hình thức tống đạt điện tử sẽ được thực hiện giữa các bên.
Bình luận (0)