|
Tích tiểu thành đa
Ông Trần Quốc An, Bí thư xã Viên An, cho biết: “Trên địa bàn xã có nhiều hộ khá nhưng thu nhập mỗi năm hàng tỉ đồng chỉ có gia đình anh Triệu Hiền. Đôi vợ chồng này rất chịu khó, siêng năng, sống có tình có nghĩa nên ai cũng quý mến”. Nhận định của ông An không phải là không có cơ sở khi sống ở vùng đất nghèo Viên An nhưng vợ chồng anh Hiền đang có 2 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày và xuồng, ghe để chở lúa. Chỉ tính riêng máy móc phục vụ sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp cũng có giá trị hơn 3 tỉ đồng.
Hôm gặp chúng tôi, anh Hiền kể trước đây khi ra ở riêng, vợ chồng anh chỉ có 3 công ruộng và căn nhà lá nhỏ cặp bờ sông. Năm đầu, làm lúa bán xong vợ chồng tích lũy được một ít tiền để chị Hạnh mở tiệm tạp hóa và nuôi heo. Còn anh sau khi hết vụ lúa đi làm thợ kéo điện, lái máy cày ở các khắp tỉnh, thành ĐBSCL, đến mùa làm lúa mới trở về nhà. “Sống ở quê, không có nghề nghiệp, học thức cũng chẳng tới đâu nên phải bám ruộng mưu sinh. Lúc đó, làm ruộng năng suất không cao như bây giờ nên phải tằn tiện, đi làm mướn thêm thì mới dư chút đỉnh. Lúc này đất ruộng còn rẻ nên tiền tích lũy được vợ chồng tôi vay thêm để mua, khi nào xong mùa lúa trả dần”, anh Hiền tâm sự.
Cứ thế nở nồi, sau hơn 20 năm tích cóp mua đất, đến nay anh Hiền đang có trong tay gần 300 công ruộng. Hầu hết diện tích đều được anh làm giống lúa thơm ST5 và OM 4900, năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/ha. Anh Hiền cho biết: “Bây giờ làm lúa đòi hỏi phải biết áp dụng kỹ thuật mới có lời. Tôi đi nhiều nên học hỏi được cách chọn giống lúa thơm, thương lái ưa chuộng nên dễ bán và giá cao. Nhiều năm qua, bình quân một công lúa tôi lời khoảng 3 triệu đồng”. Ngoài làm ruộng, anh còn đầu tư trên 300 triệu đồng để nuôi bò sữa. Hiện 5 con bò đang cho sữa cũng giúp gia đình anh thu về mỗi năm hơn 1,5 tỉ đồng.
Cơ giới hóa đồng ruộng
Năm 2000, anh Hiền vay thêm tiền mua chiếc máy cày trị giá 300 triệu đồng làm nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, thực tế trên đồng cho thấy quyết định của anh là đúng, vì nhu cầu cày xới để xuống giống đồng loạt của bà con nông dân rất lớn. 3 năm sau, anh tiếp tục đầu tư mua thêm 2 máy cày, 1 máy suốt trị giá hơn 800 triệu đồng. Đến năm 2009, anh lại đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp và một năm sau, anh tiếp tục đầu tư mua thêm một máy nữa. Anh Hiền tính toán: “Hiện nay, mỗi vụ lúa ngoài làm đất của gia đình, 3 máy cày còn làm dịch vụ khoảng 300 công đất, mỗi công bình quân 170.000 đồng; máy gặt đập liên hợp cắt hơn 1.300 công lúa, giá khoảng 300.000 đồng/công nếu tính luôn công kéo. Vì vậy, bình quân một năm làm dịch vụ cày xới, cắt lúa sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng 800 triệu đồng”.
Biết tính toán làm ăn, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, sau 20 năm lập nghiệp, vợ chồng anh Hiền đã có cơ ngơi khá đồ sộ. Ngoài ra, anh Hiền còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, mỗi lao động thu nhập bình quân trên 3 triệu/tháng. Anh Trương Ngọc Lai nói: “Hơn 10 năm làm ở đây, tôi thấy vợ chồng anh Hiền rất tốt, không phân biệt đối xử và xem tôi như người nhà. Nhờ làm cho anh Hiền mà tôi có tiền lo cho gia đình. Không chỉ riêng tôi những người làm công và bà con xung quanh khi gặp khó khăn đều được vợ chồng anh Hiền giúp đỡ”.
Thành Đạt
>> Khơi dậy khát vọng làm giàu trong thanh niên
>> Làm giàu từ cây mít
>> Dám thay đổi để làm giàu
>> Làm giàu không khó
>> Làm giàu từ gà Đông Tảo
Bình luận (0)