"Gạch mộc chưa nung” (vị thiêu đích chuyên phôi [未燒的磚坯]).
Về tương quan C/K với G giữa kích và gạch thì lần trước trên Thanh Niên số ra ngày 15.11.2020, chúng tôi đã nêu một số trường hợp, trong đó có cước [屩] « guốc. Ngoài ra, ta còn có nhiều dẫn chứng khác: - các trong đài các « gác trong gác trọ; - can trong can đảm « gan trong gan ruột; - cắng [亙], cùng cực, suốt hết « gắng trong gắng sức; - cẩm trong cẩm tú « gấm trong gấm vóc; - cô [箍], quấn, trói, siết chặt « gô trong trói gô; - cù [癯], gầy « gò trong gầy gò; - cục [跼], còng lưng; co lại, gấp khúc « gục trong đổ gục... Đặc biệt, xin dẫn thêm một ngữ đoạn trích từ bài Bát vị linh thần của Quang Viện trên Báo Thái Bình điện tử ngày 26.11.2019: “Làng Bình Cách (xưa có tên Nôm là làng Gạch) [...]”. Làng Bình Cách nay là thôn Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Bình Cách, chữ Hán là [平格]. Thực ra, gạch là âm cổ Hán Việt của chữ cách [格].
Ngói là điệp thức của từ ngõa [瓦] trong tiếng Hán, có nghĩa là... “ngói”. Chính Vương Lực đã phát hiện mối quan hệ này trong thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.364-365). Thực ra, về quan hệ OA « OI giữa ngõa và ngói, ta còn có: - khoa [𠇗], không ngay thẳng « quai trong tay quai miệng trễ; - khóa [跨], vượt qua, nhảy qua « khỏi trong qua khỏi; - oa [哇] nôn mửa « ói-ọi trong ói-ọi mửa; - quả [裹], bọc, quấn, buộc, bó, băng « gói trong gói ghém; - quả [果], chắc chắn, không thay đổi được (như trong quả cảm) « cỏi trong cứng cỏi; - quả [寡], ít ỏi; yếu đuối « cỏi trong kém cỏi; - thoa [梭] « thoi trong con thoi; - thỏa [楕], mẩu vật tròn và dài « thỏi trong thỏi sắt.
Vôi bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ hôi [灰] trong thạch hôi [石灰] của tiếng Hán, có nghĩa là “vôi”, thường nói tắt thành hôi [灰]. Hôi « vôi [灰] thì cũng như: - hội [會], liên từ có nghĩa là “và” (Hán ngữ đại tự điển, nghĩa 25) « với ( = và); - hội [繪] trong hội họa « vời trong vẽ vời.
Từ quen thuộc chỉ khái niệm “cát” trong tiếng Hán là sa [沙], như trong sa mạc, sa trường..., nhưng chính cát lại là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [圿], có nghĩa là “bụi bẩn” (ô cấu [污垢]).
Tranh trong nhà tranh vách đất là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [幀], mà âm Hán Việt là tránh, được trang Manh điển ([萌典], moedict.tw) giảng là lượng từ dùng làm đơn vị để tính những bức ảnh hoặc những bức tranh và còn nói rõ thêm: “Tác giả của sách Chính tự thông là Trương Tự Liệt đời Minh đã viết tại bộ cân rằng người thời nay (tức thời Minh - NV) gọi một bức là một tránh (Minh, Trương Tự Liệt Chính tự thông “Cân bộ”: “Kim nhân dĩ nhất bức vi nhất tránh” [明·張自烈《正字通·巾部》:「今人以一幅為一幀。).
Cứ như trên thì trong nhà tranh vách đất, tranh chính là những “bức”, những “tránh” kết bằng rạ hoặc bằng một thứ cỏ dùng để lợp nhà. Và cỏ tranh (cỏ gianh) chẳng qua là một thứ cỏ có thể dùng để kết thành những tấm tranh. Cuối cùng, xin nói thêm rằng về mặt từ nguyên thì tranh trong nhà tranh vách đất và tranh trong tranh Picasso là những từ cùng một gốc mà ra. Nguyên từ (etymon) đó là tránh [幀] của tiếng Hán.
Bình luận (0)