Người mắc bệnh thực thể do nguyên nhân sang chấn tâm lý thường kể lể bệnh tình với người khác, lo lắng thái quá về sức khỏe, không yên tâm với kết quả khám cho dù thầy thuốc đã giải thích.
Từ một người khỏe mạnh, hiếm khi đau ốm vặt, bỗng 2 năm nay, chị Ng.T.A (48 tuổi, ngụ TPHCM) liên tiếp gặp đủ thứ bệnh từ loạn nhịp tim, viêm loét dạ dày, thiếu máu do bạch cầu giảm, nhức xương khớp, bệnh phụ khoa… Hễ bệnh này thuyên giảm đôi chút thì bệnh khác phát sinh và không bệnh nào dứt hẳn. Hành trình chữa bệnh dai dẳng, mỗi ngày phải uống nhiều loại thuốc do 5-7 ông bác sĩ (BS) của nhiều chuyên khoa khác nhau kê cho khiến chị vô cùng mệt mỏi. Một lần, chị tâm sự về chuyện bệnh tật với một người bạn và nhận được lời khuyên hãy tìm đến BS tâm thần.
|
Do stress, sang chấn
Chị A. bán tín bán nghi bởi nghĩ không lẽ mình khỏe mạnh thế mà lại tâm thần? Nhưng phần nể bạn, phần mong khỏi bệnh nên chị cũng tìm đến một phòng khám tâm thần. Sau khi được BS gợi chuyện, chị nhớ lại rằng thời điểm bắt đầu phát bệnh là lúc gia đình gặp khá nhiều biến cố, công việc không suôn sẻ, vợ chồng lục đục. Nỗi buồn làm chị mệt mỏi và từ đó, sức khỏe ngày một tuột dốc. Chị được chẩn đoán mắc phải bệnh thực thể do nguyên nhân tâm lý, còn gọi là rối loạn cơ thể hóa hay bệnh cơ thể tâm sinh, bệnh rối loạn dạng cơ thể…
Lưu ý khi bỗng đổ bệnh sau biến cố BS Trịnh Tất Thắng cho biết bệnh thực thể có nguyên nhân do sang chấn tâm lý khó phát hiện, đa phần người bệnh chỉ tìm đến đúng địa chỉ trị bệnh sau khi đã lòng vòng đi chữa ở nhiều chuyên khoa mà vẫn không khỏi. Do vậy, để kịp thời nhận biết bệnh, mọi người nên lưu ý khi bỗng dưng đổ bệnh sau một biến cố nào đó hoặc sau thời gian dài rơi vào stress, lo âu. Đối với những người mắc bệnh này, các kết quả chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thực thể thường không tìm thấy loại vi khuẩn, virus gây bệnh nào cả. Cách tốt nhất để phòng bệnh vẫn là xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh, rèn luyện các kỹ năng đối phó với stress và các biến cố không mong muốn trong đời. |
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, lý giải cơ chế gây bệnh là khi bị stress hay sang chấn tâm lý tác động quá mạnh, cơ thể không kịp thích nghi sẽ sinh ra các thay đổi bất lợi trong hệ thống thần kinh tự động. Khi hệ thống hormone bị rối loạn, hệ miễn dịch cũng ảnh hưởng theo khiến cơ thể không còn vận hành bình thường rồi sinh bệnh. Các bệnh thực thể do nguyên nhân tâm lý thường gặp nhất là viêm loét dạ dày, hen, một số bệnh da liễu, xuất huyết đại tràng, đau đầu, nhức xương khớp… Một số bệnh nhân còn gặp phải rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tình dục.
Thường gặp ở nữ trung niên
Theo BS Quang, đây là bệnh có thể xảy đến với mọi người, mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở phụ nữ trên 30 tuổi, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh (khoảng 45-50 tuổi). Phụ nữ thường nhạy cảm hơn nam giới nên dễ bị tác động bởi stress và các sang chấn tâm lý hơn. Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh có nhiều thay đổi trong cơ thể làm họ mệt mỏi, khó chịu trong người. Điều này cộng hưởng với stress khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Những người mắc bệnh này thường có thói quen kể lể, than vãn về bệnh tình với người khác, lo lắng thái quá về tình hình sức khỏe, không yên tâm với các kết quả khám, xét nghiệm cho dù thầy thuốc có cố gắng giải thích.
BS Quang cũng cho biết bệnh nhân muốn khỏi bệnh hẳn thì cần được điều trị tâm lý với các liệu pháp hành vi và nhận thức, thư giãn luyện tập kết hợp với dùng thuốc đặc hiệu để trị các bệnh thực thể. Nếu chỉ điều trị tâm lý thì bệnh thực thể không tự khỏi được; ngược lại, nếu chỉ trị các bệnh thực thể mà không được giúp đỡ để vượt qua stress và sang chấn - căn nguyên của bệnh - thì bệnh sẽ tái đi tái lại, không hết hẳn.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)