Tự nhiên như "Dành cho tháng 6"

17/05/2012 09:29 GMT+7

Từng không tránh khỏi việc bị so sánh với những phim tuổi teen của nước ngoài bán đĩa hay chiếu rạp nhưng mở đầu mùa phim hè Việt, Dành cho tháng 6 (*) đã mang đến một cơn gió nhỏ có hương vị riêng.

Trước khi trình chiếu, phần lớn yếu tố xung quanh việc quảng bá cho phim gắn với cụm từ “bộ phim bóng rổ đầu tiên”, “hotboy Huỳnh Anh vào vai chính”... Trong câu chuyện xoay quanh ba nhân vật Kiên (Huỳnh Anh), Hoàng (Quốc Trung), Minh (Trần Thiên Tú), bóng rổ hóa ra chỉ là cái cớ để họ đến với nhau. Trong một đội bóng không nổi bật, Kiên là linh hồn của đội Duy Tâm cho đến khi cậu bất ngờ bỏ về quê vì lời tỏ tình thất bại với Minh - nữ quản lý của đội. Vậy là hành trình Hoàng và Minh về quê tìm đội trưởng cho trận đấu quyết định sắp diễn ra bắt đầu...

 Tự nhiên như "Dành cho tháng 6" 1
Phim hấp dẫn bởi không khí đồng quê, đời thường - Ảnh đoàn phim cung cấp

Hấp dẫn không từ SH, Dylan

Chuyện phim chỉ tập trung xoay quanh ba nhân vật chính, mâu thuẫn tưởng chừng rất đơn giản, những xung đột dễ đoán trong chuỗi tình cảm yêu thương, giận hờn tuổi học trò. Song khi phim chăm chút về diễn xuất, lời thoại, hình ảnh, âm thanh, người xem không còn quan tâm đến cốt truyện khá mỏng đó nữa. Ba nhân vật chính không đẹp nhờ đi xe Dylan, thắt dây lưng Hermes, họ rất bình thường đạp xe đạp, chơi bóng rổ rồi về thăm quê nhau. Những cảnh đồng quê Việt Nam xanh trong, yên bình, nơi nhân vật thả diều, đốt lửa trại, đi dạo cùng nhau gần đường ray xe lửa... hiện lên đẹp hơn, rõ hơn nhờ cách dựng phim và những góc quay đẹp từ Canon 5D Mac II - “vũ khí” tách nét hữu hiệu mà các nhà làm phim ngắn đang rủ nhau sử dụng.

Thoại phim dân dã, không hoa mỹ lấy được nhiều nhất những tiếng vỗ tay từ khán giả. Việc thu tiếng trực tiếp kết hợp lồng tiếng chữa được lỗi kỹ thuật, “đôn” hơn diễn xuất và còn giữ lại cả những phút “nói ngọng” tự nhiên như đời của diễn viên. Nhưng phải đến khi phim kết thúc, như chính đạo diễn đã thốt lên: “m nhạc cứu phim rất nhiều!”, Dành cho tháng 6 “ghi điểm vào rổ” còn nhờ... vào giai điệu và ca khúc sử dụng cả những bản nhạc rock Việt hay nhạc cụ dân tộc: sáo trúc, nhị, đàn môi...(được chơi bởi hai nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Nguyễn Đức Minh và Ngô Hồng Quang).

Guillaume Vétu - người nghệ sĩ nước ngoài mà Nguyễn Hữu Tuấn “tóm” được khi đi nghe nhạc trong một quán bar nhỏ ở Hà Nội - đã viết cho anh ít nhất 13 ca khúc, đoạn nhạc cho phim. Số lượng âm nhạc nhiều, thay mới liên tục, “ăn” vào từng cảnh quay đã đẩy nhanh hơn tiết tấu phim và sức hấp dẫn của Dành cho tháng 6.

Trẻ ơi là trẻ!

Đứng cạnh vị đạo diễn chưa đầy 30 tuổi (Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1984) trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội tối 15-5 là “đồng bọn” trẻ và mới toàn 8X, 9X: nhà quay phim Trang Công Minh nổi tiếng trong giới làm phim sinh viên nhưng chưa từng đứng tên một phim nhựa nào (và như anh em kháo nhau, cũng chưa bị làm hỏng bởi phim truyền hình), Quốc Trung (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội khoa đạo diễn) và Trần Thiên Tú (được nhắc đến qua hai phim nhựa Áo lụa Hà Đông và Huyền thoại bất tử) - cả hai đã nhận được nhiều tràng pháo tay của người xem với diễn xuất đầy bản năng không dùng đến kỹ thuật. “Hộ tống” vị đạo diễn còn là những bạn trẻ đã tham gia các cảnh tập luyện, thi đấu tạo nên những đúp quay đầy không khí bóng rổ cho phim.

Biết Dành cho tháng 6 không thể là một bộ phim mẫu mực về bóng rổ từ cốt truyện, nhưng làm sao để diễn viên (chính) không thạo chơi bóng lại đóng được? Những pha tranh bóng kịch tính dựa rất nhiều vào sự kiên nhẫn của toàn bộ êkip làm phim đã “mất bao công quay đi quay lại” và... tài hoa dàn dựng của Julie Béziau (dựng Chơi vơi, Bi! Đừng sợ, Lời nguyền huyết ngải), với niềm tin là: Việt Nam cũng có thể làm phim cho giới trẻ, phim có yếu tố thể thao học đường.

 Đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn
Là cựu sinh viên trường kiến trúc, lại tự trang trải chi phí làm phim, cùng thực hiện kịch bản, thầu cả khâu sản xuất, đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: “Tôi tiếp cận với nghề từ việc làm phim ngắn, với tôi đạo diễn đã là một công việc cô độc trong nội tâm rồi, những ý đồ sáng tác của đạo diễn chỉ có mình anh ta nhìn thấy trọn vẹn trong đầu. Nhưng trong quá trình thực hiện, thành quả thuộc về công sức cả một tập thể. Tôi luôn tin là ở đây có sự kỳ diệu của số mệnh, mà tôi cũng không thể kể hết ra được. Nếu buổi tối tháng 7-2011, tôi quyết định ở nhà xem phim, không đi đến buổi biểu diễn của các bạn nước ngoài thì tôi có thể sẽ không bao giờ gặp Guillaume Vétu - người đã sáng tác những bản nhạc tuyệt vời cho phim.

Tôi nghĩ là những khán giả đầu tiên đã có những thiện cảm nhất định với phim, điều này làm tôi bớt lo lắng đi một chút. Tuy nhiên với khán giả đại chúng thì cũng sẽ khác nhiều, tôi hi vọng là sẽ có được nhiều ý kiến phê bình thẳng thắn hơn sau khi phim công chiếu rộng rãi”.

N.Linh ghi

Theo Tuổi Trẻ

>> Phim Việt đầu tiên về bóng rổ học đường
>> Bảo Thy đấu võ
>> Phim kinh dị thứ hai của Lê Văn Kiệt ra rạp
>> Phim Việt 2012: Đa dạng, nhưng vẫn chông chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.