Tự nhiên thấy… ngại

23/11/2013 03:10 GMT+7

Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ hiện nay là dù rất yêu thương nhưng lại không dám bày tỏ tình cảm với bố mẹ mình.

Thôi, sến lắm


Đừng ngại ngùng mà hãy mạnh dạn bày tỏ tình cảm với người thương yêu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dịp 20.11 vừa qua, Công Trọng chia sẻ: “Con chúc ba mẹ sức khỏe và công tác tốt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam”. Mọi người bình luận hỏi sao không gọi điện hay nhắn tin mà ghi lời chúc trên Facebook. Trọng đáp gọn lọn: “Thôi, sến lắm”.

Câu chuyện này không phải ngoại lệ. Khá nhiều bạn trẻ khi được hỏi có thường thể hiện tình cảm với phụ huynh, chỉ cười bảo: “Không quen sến như vậy”, “Cũng muốn nhưng chẳng dám vì thấy ngại ngại”…

Hoài Thu, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM, cho biết: “Những ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ, hay dịp 8.3, 20.10 mình đều nhớ. Cũng muốn nói lời chúc mừng hay tặng món quà nào đó lắm, nhưng cứ do dự. Thấy ngại vô cùng”.

Chính vì thế nhiều bạn trẻ không ngần ngại thú thật, đã rất lâu rồi chưa một lần nói những lời yêu thương, hay mua một bó hoa, một món quà… dành tặng đấng sinh thành. Và mỗi ngày lớn dần lên, họ nhận ra dường như điều ấy là không thể.

Trên Facebook có Hội những người yêu mẹ cha mà không nói nên lời với hơn 6.700 thành viên, cả nam và nữ, cả những bạn trẻ đang sống bên cạnh gia đình lẫn tự lập. Họ cho biết dù thương cha mẹ vô cùng nhưng không thể nói ra bằng lời, cảm thấy khó khăn và vụng về mỗi khi bày tỏ tình cảm trực tiếp, nên phải nhờ đến những dòng tâm sự, thổ lộ để chuyển tải những thông điệp yêu thương.

Nhiều cách bày tỏ yêu thương

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận tâm lý sợ sến khi thể hiện tình cảm với gia đình là hiện tượng có thật, đặc biệt phổ biến ở giới nam.

Lý giải nguyên nhân của thực tế này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng Ý Tưởng Việt, cho rằng khi còn nhỏ, do không được người lớn khuyến khích những hành động, lời nói thể hiện tình cảm, nên khiến họ nghĩ rằng điều đó không cần thiết. Dần dần nó sẽ hạn chế việc biểu lộ tình cảm với bố mẹ mặc dù trong lòng hết mực yêu thương và kính trọng.

Thành Trường, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, kể nhiều lần bắt gặp hình ảnh những học sinh tiểu học ôm hôn bố mẹ mà cảm thấy xấu hổ. “Muốn tạo lại hình ảnh ấy nhưng chẳng biết phải làm thế nào”, Trường chia sẻ.

Để tháo gỡ tình huống này không khó. Bà Nhung “mách nước” cách thể hiện tình cảm tốt nhất là hiểu được sự mong mỏi của bố mẹ để có những hành động phù hợp. Đơn giản nếu như bố mẹ mong con khỏe mạnh, thì hãy thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ lành mạnh, không thức khuya, bỏ bữa…

Tình yêu thương có vô vàn cách để thể hiện. Thế nên nếu cảm thấy ngượng ngùng trong việc bày tỏ tình cảm thông qua lời nói thì có thể bày tỏ bằng những hành động tinh tế nhưng chất chứa đầy tình yêu thương.

Theo đó, thay vì nói “con thương mẹ” thì hãy phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu những bữa ăn ngon hợp khẩu vị cho cả gia đình. Lời nói “con thương ba” đôi khi không đem lại hiệu quả bằng cách bóp vai cho ba sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hoặc những giờ thủ thỉ tâm tình những chuyện “trên trời dưới đất” cùng bố mẹ giá trị hơn những món quà xa xỉ…

Ông Vũ Trần Thanh, phụ huynh ở Q.Bình Thạnh TP.HCM, tâm sự: “Là cha mẹ, còn gì vui sướng bằng việc được con cái bày tỏ tình cảm. Những lúc như thế mọi mệt mỏi, lo toan đều vơi đi”.

Vậy nên đừng bao giờ ngại ngùng mà hãy mạnh dạn nói những lời yêu thương để sau này không phải nuối tiếc thốt lên: “Giá như ngày xưa, con bày tỏ nhiều hơn với bố mẹ”.

Bình luận

 

“Mình sống cùng ba mẹ, gặp nhau mỗi ngày nên chưa bao giờ bày tỏ với ba mẹ bằng câu nói “con yêu ba mẹ nhiều lắm", vì thấy rất ngại và cảm giác rất sến”.  

Thanh Hùng (Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) 

 

“Mình vẫn thường xuyên gọi điện thoại về nhà nói những lời tràn đầy yêu thương như: Con thương mẹ nhiều lắm, Con yêu ba nhất trên đời, Con chúc ba mẹ ngủ ngon... Mình thấy không có gì phải ngại hay sến cả.

Thảo Phương (Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM

 

“Tôi không có thói quen bày tỏ tình cảm bằng lời nói với bố mẹ, bởi vừa sến mà lại không mang nhiều ý nghĩa”. 

Hoàng Tiễn (Sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM)

N.T.N
(ghi)

Khi người ta trẻ: Đừng như cóc bỏ đĩa

Vậy là tuần sau nó sẽ bắt đầu công việc mới. Sau nhiều lần “nhảy việc”, nó lại bắt đầu lại từ đầu, cũng chưa biết đây đã là “trạm cuối” chưa.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Lúc mới ra trường, nó xin được việc ngay trong khi bạn bè chạy đôn chạy đáo tìm việc. Vậy mà mới ba tháng, nó đã chán ngấy công việc văn phòng, suốt ngày cắm đầu vô máy tính. Nó đổi sang làm nhân viên kinh doanh. Giữa thời của khó, người khôn, việc kinh doanh không hề đơn giản, lại đòi hỏi quan hệ rộng và kinh nghiệm giao tiếp. Sau bốn tháng chạy hụt hơi vẫn không đạt doanh số, nó đành tìm cơ hội mới. Vậy mà cũng chẳng gắn bó được chỗ nào lâu, nơi nó chê xa, chỗ chê lương “bèo”, chỗ thích thì lại cãi nhau với đồng nghiệp nên lại... nhảy! Có lúc đang ấm êm ở một chỗ nào đó, nghe có người rủ rê, mời gọi chỗ khác “thơm” hơn, nó lại nhảy để rồi sau khi “ôm cầm sang thuyền khác”, sau đó mới nhận ra công việc đó chẳng phù hợp. Những gì tích lũy được ở nơi làm việc cũ chẳng giúp gì được cho công việc mới bởi chẳng chỗ nào nó dừng chân đủ để học hỏi được những kinh nghiệm cần thiết. Rốt cuộc, 30 tuổi mà nó vẫn chẳng tiến xa hơn con số không là mấy, trong khi các nhà tuyển dụng bắt đầu e ngại khi liếc qua “tiểu sử” công việc của nó.

30 tuổi, nó vẫn chưa xác định được: nó thích làm gì? Đã vậy còn nhảy việc như cóc bỏ đĩa, đến già có lẽ nó vẫn chỉ ở vạch xuất phát mà thôi.

Đỗ Thu Vân

Nguyễn Thanh Nam - Trâm Anh

>> Lời tỏ tình đầu tiên
>> Mối tình đầu
>> Tình yêu tuổi học trò
>> Ngộ nghĩnh tuổi học trò
>> Hè về 2013: Học trò xưa "ghen tị" học trò nay
>> Ước mơ dang dở của cô học trò
>> Đừng chỉ trách học trò
>> Nhiều hoạt động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
>> Đăng Khôi, Hiền Thục hát mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
>> Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.