‘Tủ sách gia đình’ và ‘Tủ sách Đặng Thùy Trâm’

19/06/2024 15:30 GMT+7

Tôi nhớ, cách đây đã nhiều năm, khi nhà thơ Tế Hanh còn tại thế, tôi đã cùng ông và đoàn làm phim chân dung ông về Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là quê nhà thơ để thực hiện bộ phim…

Nghỉ trưa tại nhà ông, ngôi nhà cổ của cha mẹ nhà thơ, tôi để ý một cái tủ đựng sách bằng gỗ tốt chơ vơ ở góc nhà. Tế Hanh - một người rất mê sách và ham đọc sách - nói với tôi đó là cái tủ sách "gia bảo" của ông bà ông để lại. Qua bao nhiêu thăng trầm thời cuộc, cái tủ ấy vẫn còn nhưng sách - những cuốn sách khá cổ và quý mà Tế Hanh từng biết - thì không còn nữa. Bài thơ Cái tủ sách của cha tôi của Tế Hanh chính là viết về cái tủ sách này:

"Cha tôi có cái tủ

Bằng gỗ quý hình vuông

Con rồng chạm phía trước

Đựng toàn sách thơ Đường"

Qua nhiều biến thiên của sự học, "Anh em tôi hiểu gì/Chữ ngoằn ngoèo nhỏ tí/Đem Đỗ Phủ bồi bìa/Dán diều Bạch Cư Dị". Rồi qua thời sách tiếng Pháp với bao nhà thơ như Eluard, Aragon, Hikmet… đã thành tri kỷ, vậy mà rồi lớp con cháu khi chuyển hệ học tiếng Nga tiếng Anh nên đã có chuyện cười ra nước mắt thế này:

"Có lần tôi tìm mãi

Một tập Aragon

Ra chợ trời lại thấy

Đề giá 50 đồng"

Giá 50 đồng là giá bèo bán giấy ký của một tập thơ quý:

"Lòng tràn đầy cảm thương

Tôi lặng nhìn tủ sách

Thơ Đường đem gói đường

Thơ Pháp làm giấy nháp"

Dĩ nhiên, ý nghĩa bài thơ thâm trầm hơn nhiều chuyện "lên lên xuống xuống" của những thời đại văn học và ngôn ngữ thay đổi nhau. Nhưng cuối cùng thì nhà thơ của chúng ta cũng hài lòng khi còn lại là cái tủ sách, một ngày kia sẽ "Đựng thơ khắp nơi nơi/In trong nhiều thứ chữ", nghĩa còn tủ sách là còn hy vọng. Một cái tủ sách gia bảo có thể biến thiên theo thời cuộc, nhưng sự định vị của nó giữa một gia đình là có thật, và cần thiết.


‘Tủ sách gia đình’ và ‘Tủ sách Đặng Thùy Trâm’
- Ảnh 1.

Nhà thơ Thanh Thảo (thứ 2 từ phải sang) tặng "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" tại Núi Thành, Quảng Nam

T.T

Từ vài năm nay, nhóm "thiện nguyện sách" chúng tôi đã tổ chức quyên góp "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" cho các trường học, chủ yếu cho các trường THCS trong cả nước. Nhớ bài thơ của bác Tế Hanh, chúng tôi muốn đưa tới cho các em học sinh cấp 2 lòng yêu sách, từ đó các em ham đọc sách, coi sách là người bạn thân thiết của mình. Và câu chuyện buồn trong bài thơ của Tế Hanh sẽ không còn lặp lại hôm nay. Những "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" sẽ là những người bạn chân thành nhất của các em học sinh.

Điều khiến chúng tôi vui nhất là có một "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" đang trên đường vượt biển tới với các em học sinh Trường tiểu học và THCS Thổ Châu tại xã đảo Thổ Châu rất xa xôi. Với sự nhiệt tình của các anh bộ đội biên phòng trên đảo Thổ Chu, tủ sách gồm những quyển sách hay nhất của NXB Kim Đồng sẽ đến với trường học Thổ Châu. Mùa hè này, các em học sinh trên hòn đảo xa xôi cách đất liền hơn trăm cây số sẽ có sách hay để đọc. Đảo Thổ Chu bây giờ còn khó khăn nhiều về kinh tế, nhưng khi sách đến với học sinh trên đảo, là kiến thức và niềm vui cùng sự hiểu biết đến với thế hệ trẻ, hy vọng từ văn hóa đọc sẽ đưa học sinh tới những khát vọng và khả năng biến hòn đảo còn nghèo khó của mình thành hòn đảo xanh tươi và no ấm.

Cứ nghĩ tới những tác động về lâu về dài của sách và văn hóa đọc sách, chúng tôi tự tin là công việc "thiện nguyện sách" của mình là phù hợp với nhu cầu của xã hội hôm nay. Tin "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" còn đến với nhiều vùng sâu vùng xa vùng nghèo khó trên đất nước ta, để những nơi đó học sinh dù còn nghèo vật chất nhưng không nghèo về hiểu biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.