Tu sĩ - giáo sư Nguyễn Khắc Dương, một con người độc đáo

25/12/2020 10:00 GMT+7

Ông Nguyễn Khắc Dương chưa được Nhà nước phong giáo sư, nhưng từ khi làm quyền Trưởng khoa Văn - Triết Đại học Đà Lạt (trước 1975), học trò đều gọi ông là giáo sư.

Một số trang mạng và báo chí còn “phong” cho ông học vị “tiến sĩ” - thực ra ông chỉ có bằng Cử nhân Đại học Sorbone (Pháp), nhưng không ít tiến sĩ-giáo sư, linh mục, giám mục lại gọi ông bằng “Thầy”! PGS - nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, trong bài viết đăng ở tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Hà Nội, 2008), lại định danh ông bằng một mệnh đề dài đậm chất học thuật: Nguyễn Khắc Dương - Người đi tìm mình qua những xung đột văn hóa.
Đỗ Lai Thúy viết bài này sau khi đọc bản thảo Hồi ức của Nguyễn Khắc Dương được hoàn thành từ năm 1986. Mở đầu cuốn sách, Nguyễn Khắc Dương dẫn câu của Pascal: “Le moi est haissable” (Cái tôi đáng ghét) để nói lên sự băn khoăn của mình: “Kể làm gì? Có ích lợi cho ai không?... Không khéo tự phô trương…”. Nhưng rất nhiều học trò của Nguyễn Khắc Dương và trí thức đọc bản thảo thấy rằng Hồi ức không chỉ tái hiện, lý giải cuộc đời khá đặc biệt của Nguyễn Khắc Dương mà như giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã nói trong Lễ mừng thọ 95 tuổi của anh trai mình: “Qua hành trình chiêm nghiệm về cuộc đời của anh, qua phẩm chất của anh, mọi người, từ những góc độ khác nhau, có thể rút ra một số ý nghĩa, bài học sâu sắc về nhân sinh, triết lý”.
Đó cũng là lý do thôi thúc các cựu sinh viên Đại học Đà Lạt giúp thầy công bố bản in chính thức (sách Hồi ức Thế tâm Nguyễn Khắc Dương – NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020), đồng thời là món quà mừng thầy thọ 95 tuổi (1925 - 2020). “Một con người độc đáo đến nỗi rất nhiều người trong chúng ta cuộc đời đã khác nếu không được gặp Thầy” (trích lời của tiến sĩ - linh mục Nguyễn Quốc Lâm).
Gọi là “độc đáo” vì từ một công tử con quan - hơn nữa là một đại Nho gia (thân phụ Nguyễn Khắc Dương là cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm) từng theo Việt Minh tập “một-hai” cùng dân quân ở quê nhà sau 1945, rồi vào Đội Tuyên truyền xung phong của Việt Minh Trung Bộ, nhưng lại… theo đạo Công giáo. Và sau bao nhiêu năm đi tu, từ Vinh năm 1949 đến Nha Trang rồi sang Pháp… lại vẫn là “thầy tu xuất”.
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Phi thì kể từ năm 1949, khi Nguyễn Khắc Dương rời gia đình đi tu: “Bảy mươi năm đã trôi qua, vượt lên mọi nghịch cảnh, giải tỏa dần những trăn trở vướng mắc, anh tôi ngày càng vững vàng, kiên định, dần được coi như một biểu tượng, một hiện thân về sức mạnh thần kỳ của nghị lực, của đời sống tinh thần. Anh là chứng nhân của thời cuộc, là mẫu mực về Đức tin, lối sống không màng danh lợi, không nệ hình thức của một người tu hành. Nhưng, nói theo ngôn từ của Hoàng đế - thiền sư Trần Nhân Tông, anh Dương tuy “lạc đạo” (vui với đạo) nhưng vẫn “cư trần”(ở với đời). Anh lên lớp cho các trường dòng nhưng cũng vui vẻ nhận lời đến nói chuyện với Trường viết văn Nguyễn Du, với Viện Khoa học Giáo dục. Anh từng diện kiến đủ các bậc chức sắc tôn giáo, cả Đức Giáo hoàng, nhưng lại có thể say sưa, rỉ rả trò chuyện hàng giờ với những người nông dân bình dị. Anh không ít lần về ăn tết âm lịch, dự Lễ Vu Lan báo hiếu ở quê nhà. Anh góp tiền cho dòng tộc tu bổ nhà thờ, nâng cấp phần mộ tổ tiên. Khi đã hơn 90 tuổi, anh vẫn chống gậy lên lưng chừng núi viếng mộ song thân và các bậc tiền nhân…”.
Còn Đỗ Lai Thúy trong đoạn kết bài viết đã dẫn: “Hợp nhất Đông và Tây, hợp nhất Nho giáo và Ki-tô giáo, hợp nhất đoàn thể và cá nhân, trái tim và đầu óc, hợp nhất những gì tưởng như không thể hợp nhất nổi, để có được một Kitô giáo Việt Nam, và những Kitô - Việt - hữu. Bởi thế, Nguyễn Khắc Dương là một trường lữ đi trên con đường không có đường”.
Tiến sĩ - linh mục Nguyễn Tiến Dưng, thay mặt các học trò của Nguyễn Khắc Dương, trong Lễ mừng thầy thọ 95 tuổi, đã nói: “Ai nghèo, Thầy cho ít tiền. Ai học giỏi, Thầy cho cuốn sách triết. Ai đang đau khổ, Thầy lắng nghe họ. Ai đang trôi dạt, Thầy tìm cho bến đậu. Thầy cứ lang thang đây đó, như người hành khất, quên cả tắm rửa, nhưng là để nối nhịp cầu, nhịp cầu cảm thông, nhịp cầu tâm giao. Gặp được Thầy, ai cũng có cảm giác mình thêm được một người Thầy, người cha, nhiều khi Thầy giữ luôn cả vai trò người mẹ. Thầy sống không giống ai, và cũng chẳng ai giống Thầy. Thầy khác biệt nhưng không dị biệt!”.
Có điều cần nói thêm là Hồi ức viết từ 35 năm trước, có người muốn Nguyễn Khắc Dương viết bổ sung hoặc chỉnh sửa một số điều đã viết trước đây, nhưng ông bảo để nguyên vì đó là chứng nhân một thời. Trong chương cuối Hồi ức, Nguyễn Khắc Dương viết: “Bắc - Nam hai miền muôn thuở phải là một. Cắt đôi là Việt Nam chết! Việt Nam chết thì chế độ này, chế độ kia có ý nghĩa gì? Cho nên thống nhất hai miền (bất cứ hình thức nào) là điều tiên quyết… Mọi sự khác dù gian nan đến đâu cũng tạm gác lại, sau hẵng hay. Sau đó có thể là hàng trăm năm, nước Việt Nam, dân Việt Nam là vạn đại…”.
Nguyễn Khắc Dương là một người “tam vô”: không vợ con, không chức vụ, không tài sản - luôn “kính Chúa yêu nước” - như ngôn ngữ truyền thông sử dụng rất nhiều trong những mùa Giáng sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.