Nuôi sống gia đình từ nghề làm chổi
Tại cơ sở sản xuất chổi dừa của chị Ty ở thôn Lương Thọ 2, xã Hoài Phú (H.Hoài Nhơn), không khí làm việc luôn hối hả và nhịp nhàng. Các chị em đang miệt mài, khéo léo bó cọng dừa thành chiếc chổi một cách nhanh chóng. Bà Nguyễn Thị Tường (62 tuổi), người có thâm niên làm chổi hơn 10 năm kể: “Hơn chục năm trước, tôi và chồng chỉ có 3 sào ruộng nên phải tìm thuê thêm ruộng của người dân trong thôn để làm cật lực mà không đủ lo cho 4 người con. Cuộc sống vô cùng khó khăn, tôi học nghề bó chổi ở người quen trong xóm với mong muốn kiếm thêm thu nhập mua mắm, thịt cá cho các con, nào ngờ lại là nguồn thu chính của gia đình nên đã gắn bó tới nay”.
Theo bà Tường thì lúc đầu học, mỗi ngày bà chỉ làm được khoảng 20 - 30 cây chổi, còn giờ có ngày trên cả trăm cây. Từ chỗ thiếu cái ăn, cái mặc, gia đình bà Tường đã có nhà cửa khang trang, con gái và con dâu không chỉ theo nghề mà còn mở cơ sở sản xuất chổi dừa, làm giàu chính đáng.
Chị Ty cho biết chỉ riêng cơ sở của chị mỗi ngày xuất bán 2.000 cây chổi, cần khoảng 30 chị em làm công. Công việc thời điểm nông nhàn này đã giúp chị Ty và nhiều chị em khác tạo dựng một cơ ngơi như nguyện ước và nuôi sống nhiều gia đình một cách bền vững. Có thể nói, những phụ nữ ở xã Hoài Phú đã thay đổi cuộc đời mình, thay đổi vị trí của mình trong gia đình từ những cọng dừa khô.
Làm bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu
Sản phẩm chổi dừa ở Hoài Nhơn làm ra chủ yếu cung cấp cho thị trường miền Trung, nhiều nhất ở Đà Nẵng, Quảng Nam, ngoài ra còn bán cho các bạn hàng ở Hà Nội, TP.HCM với giá bán sỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/cây. Hiện tại, xã Hoài Phú có 3 cơ sở lớn, xuất bán khoảng 2.000 - 5.000 cây chổi/ngày/cơ sở.
Cơ sở của chị Ty cung cấp cho thị trường 3 loại sản phẩm chủ yếu: chổi đặc biệt (đặt hàng trước mới có) rất dày và đẹp, chổi thường và chổi nhỏ để quét bếp. Điểm mới của các cơ sở là thay vì phải đi thu mua cọng dừa từ Bến Tre, Cà Mau về phân phối lại cho các hộ thì nguồn nguyên liệu đã được các mối ở xã có xe tải chở giao tận nơi.
Bình luận (0)