Tự tạo cơ hội: Đổi đời từ nuôi tôm giống

04/05/2016 10:36 GMT+7

Từ việc đi làm thuê ở những hồ tôm, ông Hồ Ngọc Vân (50 tuổi, xã Phú Thuận, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã mạnh dạn đầu tư trại nuôi tôm giống và trở thành ông chủ.

Sau nhiều năm làm thuê tại các trại tôm giống, ông Vân quyết định đầu tư trại tôm giống trên vùng đất cát, miền biển Phú Thuận. Chưa đến 10 năm sau, ông đã phát triển thêm một trại tôm, cua, cá giống ở xã Quảng Công (H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Mỗi năm, hai trại giống của ông cung ứng ra thị trường 60 - 70 triệu con tôm sú giống. Ông Vân chia sẻ: “Quê tôi ở Bình Định, khi đi làm thuê cho các trại tôm giống ở Thừa Thiên-Huế, tôi thấy nơi này rất thuận lợi để mở trại giống. Bởi ở đây trại giống còn ít trong khi, bà con nuôi trồng thủy hải sản dọc phá Tam Giang - Cầu Hai rất nhiều. Nhu cầu về tôm giống khá lớn. Tôi quyết định vay mượn tiền ra Huế mở trại tôm giống vào năm 2006”.
Ban đầu, do thiếu vốn nên ông Vân chỉ đầu tư vài chục bể tôm giống nhưng hiện nay trại tôm giống đã mở rộng hơn 100 bể. Dù có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nhưng khi bắt tay vào làm trại, ông gặp không ít khó khăn khi tôm bị dịch bệnh. Những lứa tôm giống đầu tiên không đạt, trại của ông thua lỗ nặng. Không bỏ cuộc, ông lặn lội tới nhiều cơ sở uy tín ở các tỉnh phía nam để học hỏi, nâng cao kỹ thuật. “Mấy năm đầu thất bại, không ít lần tôi chán nản nhưng rồi cố gắng vực dậy tìm tòi rút kinh nghiệm khắc phục. Mình đã rời quê ra tận đây tìm kế sinh nhai thì phải cố gắng tới cùng, có như thế thì mới có trái ngọt như hôm nay, chứ thấy khó thấy khổ mà nản thì chẳng làm được gì cả”, ông Vân nói.

“Vua” tôm giống

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tôm sú giống chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm, ông Dương Văn Hùng (ngụ ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, H.Đông Hải, Bạc Liêu) được người nuôi tôm ở miền Tây gọi là “vua” tôm giống.
Theo ông Vân, quy trình nuôi tôm giống kéo dài khoảng 1 tháng sau khi tôm mẹ đẻ con. Tôm bố mẹ được theo dõi chăm sóc với chế độ ăn và vệ sinh đặc biệt. Tôm giống được tách khỏi bố mẹ và nuôi cẩn thận trong bể với môi trường nhiệt độ luôn theo dõi từng giờ. Tôm giống thường mắc các bệnh đường ruột, dính chân, chậm lột vỏ, nặng hơn là bệnh đốm trắng và đầu vàng. Vì còn nhỏ và yếu nên tôm giống được phòng bệnh là chính. Do đó, việc vệ sinh bể ươm, đảm bảo các chỉ số về môi trường rất quan trọng. Bà con đến chọn tôm giống phải mang theo nước hồ nuôi để đo độ mặn. Bởi trước khi thả tôm giống xuống hồ cần phải đảm bảo độ mặn, cân đối độ mặn giữa hồ và trại giống thì tôm không bị sốc. Tôm giống mới có thể sinh trưởng tại hồ nuôi.
“Mình không chỉ cung cấp tôm giống khỏe mạnh cho bà con mà còn làm sao khi tôm xuống hồ của người nuôi, tôm vẫn sinh trưởng tốt, chứ không phải bán rồi là xong. Tôm có khỏe, thu hoạch tốt thì bà con mới tin tưởng mà tìm đến mình lại. Làm ăn phải có trước có sau, bà con mới tin cậy, mới có thể tồn tại”, ông Vân chia sẻ.
Những năm gần đây, ông Vân đã mở rộng và ươm thêm cá giống và cua giống, mỗi năm cung cấp ra thị trường thêm khoảng 3 triệu con giống. Không dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục chỉnh trang, mở rộng chuồng trại và đầu tư các trang thiết bị để nâng cấp trại tôm giống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.