Tự tạo cơ hội: Khởi nghiệp từ nông trại nấm

20/08/2016 07:22 GMT+7

Học xong đại học, Nguyễn Trọng Hòa (27 tuổi) về phố núi Kon Tum mở nông trại nấm, hằng năm thu về 400 - 450 triệu đồng tiền lãi.

Năm 2012, tốt nghiệp đại học chuyên ngành vi sinh - sinh hóa Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, Hòa đi làm kiếm tiền bằng nhiều công việc ở TP.HCM. Tết năm 2013 về nhà, nghe ba mẹ khuyên nên ở lại Kon Tum làm việc, Hòa vâng lời và bắt tay xây dựng nông trại nấm sạch Tây nguyên (ở đường Trần Văn Hai, TP.Kon Tum).
Hòa tính toán: Nấm bào ngư dễ làm, thị trường Tây nguyên lại tiêu thụ mạnh, giá cả cao nên bắt đầu từ loại nấm này. Đầu năm 2014, Hòa mượn của bố mẹ 200 triệu đồng để xây nhà sản xuất phôi 100 m2 và 2 trại trồng nấm với 96 m2 để làm nấm bào ngư. Khi đó, Kon Tum nói riêng, vùng phía bắc Tây nguyên nói chung rất thiếu và khó khăn về nguyên liệu sản xuất, thiết bị, vật tư làm nấm, nhưng nhờ các mối quan hệ của những năm sinh sống và làm việc ở TP.HCM, Hòa đã đưa về nên việc sản xuất nấm bào ngư cũng thuận lợi.
Hòa cho hay, Kon Tum có thời tiết thất thường trong ngày, vì vậy việc đưa nấm từ miền Nam lên làm sao cho thích nghi với môi trường nơi đây không phải là dễ. Hòa phải cải thiện loại giống này trải qua từ 3 - 4 thế hệ nuôi, mất nguyên một năm mới thành công với giống nấm bào ngư thích hợp với môi trường khí hậu ở Kon Tum. Những ngày đầu khởi nghiệp bộn bề khó khăn, anh còn phải lặn lội đi khắp nơi trong tỉnh thăm dò thị trường. Có điều, Hòa nhận thấy so với thị trường các tỉnh khác, ở Kon Tum giá nấm bào ngư cao hơn và tiêu thụ dễ dàng.
Vì vậy, mấy năm qua, việc sản xuất nấm bào ngư thuận lợi. Trại nấm của Hòa cứ 3 tháng rưỡi thu nấm bào ngư một lần, thu về 1,9 - 2,2 tấn nấm/vụ, giá bán ra thị trường từ 21.000 - 25.000 đồng/kg, kiếm được từ 40 - 55 triệu đồng/vụ, trong đó lãi từ 20 - 35 triệu đồng/vụ. Ấy là chưa kể, Hòa còn sản xuất và cung cấp phôi giống cho người dân trong và ngoài tỉnh, mỗi năm từ 20.000 - 30.000 bịch phôi giống. Theo tính toán của anh, riêng với nấm bào ngư, cơ sở của anh vừa trồng, sản xuất và cung cấp phôi giống đã thu lãi hơn 300 - 350 triệu đồng/năm.
Trò chuyện với chúng tôi, Hòa cho hay, từ năm 2015, vợ của anh là Nguyễn Thị Thảo (cử nhân đại học chuyên ngành công nghệ sinh học) đã bỏ ngang việc học văn bằng 2 ở TP.HCM về Kon Tum giúp chồng phát triển mạnh nông trại nấm. Đến nay, ngoài trồng nấm bào ngư, vợ chồng Hòa còn trồng thêm nấm linh chi, nấm mèo và nấm rơm. Ngoài ra, hai vợ chồng mua và thuê hàng ngàn mét vuông đất để phát triển đa dạng các loại nấm khác, đồng thời đầu tư thêm hệ thống máy móc cho nhà xưởng. Theo Hòa, nấm linh chi cũng là hướng đầu tư chính của nông trại. Hiện tại, loại nấm này cho 2,7 tạ/vụ, mỗi năm sản xuất ít nhất 3 vụ. Nấm linh chi có giá 600.000 đồng/kg, mỗi năm thu về được trên 100 triệu đồng. Mỗi năm, doanh thu từ các loại nấm được hơn 960 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí, nông trại lãi 400 - 450 triệu đồng.
Hòa cho biết việc phát triển nông trại đa dạng nấm, cung cấp và sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, hướng dẫn khách hàng, bà con gần xa cách trồng nấm cũng chính là dự kiến cho một tương lai không xa. "Khi đó, tôi sẽ thu mua nấm và phát triển các sản phẩm chế biến sau nấm. Chỉ có vậy người trồng nấm mới có nơi tiêu thụ, không lao đao bị ép giá và quan trọng nhất là giá trị của nấm sản xuất ra được nâng cao hơn nữa", Hòa nói.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh còn giúp đỡ 7 thanh niên dân tộc thiểu số có được việc làm ổn định. Nhiều bạn trẻ ở TP.Kon Tum và các huyện cũng được Hòa sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm (số điện thoại của anh Hòa: 0935526126).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.