La Thành Luân tự tin với nghề kinh doanh nước mắm của mình - Ảnh: Tâm Ngọc
Với Luân, dường như không có nơi nào khác hấp dẫn hơn dãy lu, thạp, bể mắm xếp hàng dài bên nhà. Ở đó, vị nước mắm đã thấm đẫm cả tuổi thơ, nuôi dưỡng giấc mơ làm mắm ngon, mắm sạch quy mô lớn sau này của Luân.
“Cũng có nhiều lần, người ta cười nhạo vì thấy mình trai tráng lại suốt ngày quanh quẩn mắm muối, coi sóc chuyện dọn dẹp bể mắm, ăn cơm cũng nói chuyện mắm. Nhưng mình nghĩ, nếu biết cách làm ăn, không những khấm khá mà còn làm nhiều người biết và nhớ đến đặc sản của một vùng quê nhỏ”, Luân vui vẻ kể. Quả thật, xứ Tam Quan, Bình Định từ lâu nức tiếng hai sản vật là dừa và nước mắm. Xã Tam Quan Bắc (H.Hoài Nhơn) có đến hơn 70% hộ dân làm nghề biển với đội tàu cá đông nhất tỉnh Bình Định. Nhờ lợi thế đó mà người dân ở đây bao đời nay có tiếng làm nước mắm ngon.
Gia đình có truyền thống làm nước mắm đã hơn 30 năm, Luân ghiền mùi nước mắm từ nhỏ. Luân kể, cứ đến kỳ rút nước mắm, thể nào cậu cũng vào kho để… chấm mút hết loại này đến loại khác cho đã. Ý định sẽ theo nghề làm mắm của mẹ lớn dần. Nhưng làm mắm ngon là một chuyện, bán được nhiều mắm hay không lại là chuyện khác. Luân quyết tâm học hành tới nơi tới chốn để phát triển nghề nước mắm của gia đình.
Luân kể lại: “Ngay trên giảng đường đại học, mình đã trăn trở nhiều cách để có thể buôn bán, mở rộng thị trường. Bắt đầu bằng việc bán bánh tráng nước dừa ở Sài Gòn với số vốn khởi điểm là 10 triệu đồng, mình mới vỡ ra được nhiều điều khi cọ xát trong thực tế. Hóa ra, xây dựng thị trường phức tạp hơn nhiều so với việc đem nước mắm ra bán ở chợ như mẹ mình vẫn làm lâu nay. Do vậy, tốt nghiệp, mình chưa về ngay mà đi làm cho các công ty chuyên sản xuất, phân phối nước mắm ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, Hà Nội để tích lũy kinh nghiệm”.
Về quê, Luân bắt tay ngay vào một kế hoạch kinh doanh, sản xuất nước mắm có vị phù hợp khẩu vị của đông đảo người tiêu dùng; thay đổi mẫu mã sản phẩm; xác định phân khúc thị trường cho từng loại nước mắm. Sau hơn 1 năm phụ trách cơ sở nước mắm Như Mười của gia đình, Luân đã đầu tư máy đóng chai để thay đổi mẫu vỏ chai, làm nhãn mác đẹp mắt hơn và đa dạng các loại mắm như mắm dùng để nấu, mắm nhĩ dùng làm nước chấm… Bước đầu, Luân tập trung vào thị trường Hoài Nhơn, rồi mở rộng ra các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, mỗi năm cơ sở nước mắm Như Mười muối hơn 300 tấn cá, doanh thu bán nước mắm trên 300 triệu đồng/tháng. Luân nói: “Mình muốn được gắn tên Luân mắm cả đời để ai cũng biết đến mắm của mình”.
Tâm Ngọc
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 66: Kiếm tiền tỉ nhờ Bơm vô ống
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 67: Kiếm tiền từ con dông
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 68: Biến bò gác mái thành đặc sản
Bình luận (0)