Tự tạo cơ hội: Làm du lịch từ vườn dâu cao sản

22/06/2016 07:00 GMT+7

Ông Lê Minh Tâm đã biến vườn dâu cao sản của gia đình thành điểm du lịch, thu hút nhiều khách đến tham quan.

Mát rượi, trái sai trĩu cành là những hình ảnh đầu tiên mà khách tham quan bắt gặp khi đến vườn dâu cao sản Ngã Bảy Thiên Ân của ông Tâm (53 tuổi, ngụ P.Ngã Bảy, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang). Cách đây khoảng 20 năm, thấy vườn cây rộng 5 ha của gia đình già cỗi, hiệu quả kinh tế không cao, ông cùng anh ruột quyết định cải tạo lại, chọn giống dâu bòn bon, gia bảo, hạ châu để trồng. Việc lựa chọn giống dâu cũng được anh em ông tính kỹ để thời gian thu hoạch kéo dài và có cả dâu nghịch vụ nhằm bán giá cao. “Tính toán là thế nhưng khi vườn dâu bắt đầu cho trái thì phát sinh đủ thứ. Nhất là tình trạng dâu thụ phấn không đều nên lép rất nhiều. Sau đó anh em tôi tìm hiểu kỹ thì biết được dâu cũng có cây đực, cây cái và phải trồng theo tỷ lệ hợp lý thì mới thụ phấn đều, không bị lép”, ông Tâm nói.
Tỷ lệ hợp lý, theo ông Tâm là cứ khoảng 100 gốc dâu thì phải trồng ít nhất 4 cây đực. Ngoài ra, anh em ông còn ghép cành dâu đực vào cây dâu cái để khi ra hoa đạt tỷ lệ thụ phấn cao hơn. Không dừng lại ở đó, ông Tâm còn nghĩ ra cách tác động để cây dâu thụ phấn đạt tỷ lệ cao là dùng máy phun. “Sau khi vất vả thụ phấn cho cây, tôi suy nghĩ phải dùng máy nhưng bằng cách nào là cả một vấn đề. Tính toán mãi, tôi quyết định mua một máy phun cũ về cải tiến, sau đó làm thêm hệ thống ống, péc phun, thế là chỉ cần đứng dưới gốc dùng máy thổi lên. Thật bất ngờ, cách làm này giúp tỷ lệ dâu thụ phấn đạt trên 80%”, ông Tâm nói. Bây giờ vườn dâu cao sản của ông đã 20 năm tuổi, cây cao lớn, mỗi năm thu hoạch khoảng 100 tấn. Ngoài ra, anh em ông còn sản xuất thêm giống dâu đặc sản, mỗi năm xuất bán hàng ngàn cây với giá 25.000 đồng/cây.
Năm 2014, ông Tâm lên kế hoạch phát triển vườn dâu cao sản của mình thành điểm tham quan. Ông đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống đường nội bộ len lỏi trong vườn dâu dài hơn 600 m. Hai bên đường là những cây dâu cao lớn rợp bóng mát. Đến mùa thu hoạch, trái dâu trĩu xuống như chạm vào người du khách. “Nhờ tính toán các giống dâu xen kẽ nên hằng năm dâu bòn bon, gia bảo cho trái từ khoảng 30.4 - 30.6, còn dâu hạ châu cho trái nghịch từ khoảng tháng 7 - 9, tức là có một khoảng thời gian nhất định cây cho trái để du khách đến tham quan. Mặt khác, mỗi vụ tôi chừa hàng chục cây dâu để trái không thu hoạch dọc theo các lối đi cho khách đến chụp ảnh. Khách tham quan có thể ăn dâu thoải mái do chủ vườn hái sẵn đãi nhưng không được hái trái. Nếu khách muốn mang dâu về thì chủ vườn sẽ hái bán theo giá thị trường”, ông Châu nói và chia sẻ lý do: “Nếu cho khách hái trái, chỉ cần vài lượt người không có ý thức thì trái gần gốc sẽ không còn. Khi đó, khách thấy còn trái phía trên cao mà leo trèo lên hái sẽ rất nguy hiểm”.
Hiện giá vé vào tham quan vườn dâu đặc sản của ông Tâm là 25.000 đồng/người lớn, trẻ em là 15.000 đồng, người cao tuổi được miễn phí vé. Ngoài ra, khách đến vườn dâu của ông chỉ cần điện thoại đặt trước, vườn sẽ tổ chức các món ăn đặc sản địa phương, phục vụ đờn ca tài tử. Mỗi ngày, vườn cây đặc sản của ông Tâm đón tiếp hơn 100 lượt khách, lúc cao điểm khoảng 300 - 400 lượt, đồng thời đã kết nối được tour với các hãng lữ hành TP.HCM, Vĩnh Long, Kiên Giang để đưa khách đến tham quan. “Thực tế vườn chưa bảo đảm có trái quanh năm, do đó tôi đang tính toán cải tạo những nơi dâu già cỗi để trồng lại cam sành, chôm chôm… nhằm bảo đảm khách đến lúc nào cũng thấy cây trái sum suê”, ông Tâm cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.