Ông Hùng kể lúc còn đi dạy học tiểu học, mỗi khi rảnh rỗi ông thường phụ vợ là bà Nguyễn Thị Trang Thùy (thợ làm bánh hạnh nhân truyền thống ở H.Chợ Mới) chở bánh đi bỏ mối. Tiếp xúc với bạn hàng, nghe góp ý làm thế nào cho bánh ngon hơn ông đều chăm chú lắng nghe. Sau một thời gian đi bỏ mối, thấy nghề làm bánh có thu nhập cao nên ông quyết định bỏ nghề giáo, theo vợ học cách làm bánh, mở Cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh.
Nhờ trẻ em... thử bánh
Khác với các thợ làm bánh khác, ông Hùng nhờ trẻ em làm người thử độ ngon của bánh. Ông Hùng kể: “Tôi dạy học cho trẻ lâu năm nên nắm rõ sở thích ăn uống của trẻ. Các mẫu bánh mới làm xong tôi cho con và mấy đứa trẻ trong xóm ăn thử. Trẻ em có đầu lưỡi tinh tế lắm, ăn món gì ngon chúng sẽ khen, còn không chúng sẽ chê hoặc không ăn. Tôi quan sát, hễ mẫu bánh nào bọn trẻ đòi ăn nhiều thì tôi làm mẫu đó tung ra thị trường bán thăm dò”.
Cách này đã mang đến thành công cho ông Hùng. Trẻ em ăn bánh hạnh nhân của cơ sở ông thấy ngon nên đòi cha mẹ mua. Người lớn thấy vậy cũng tò mò, ăn thử, thấy bánh giòn, không quá cứng, vị bùi, ngon... nên mua ăn rồi truyền miệng nhau. Có một sự trùng hợp khá thú vị giữa bánh hạnh nhân và trà nóng. Đó là khi đưa bánh hạnh nhân mẫu mới lên Lâm Đồng chào hàng, ông Hùng không ngờ không lâu sau nơi đây rất thích nên đặt hàng tới tấp. Thấy lạ, ông Hùng tìm tòi mới phát hiện người dân trên vùng cao có thói quen hay uống trà nóng và khi ăn bánh của ông xong uống ly trà vào, hương vị trà thêm đậm đà. Nắm được chuyện này, ông Hùng đã nghiên cứu tùy theo vùng miền mà gia giảm độ béo giòn cho hợp khẩu vị.
Từ chỗ tiêu thụ nhỏ lẻ tại các huyện thị trong tỉnh nhà, ông Hùng đã bỏ mối tới các tỉnh thành khác như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Lâm Đồng, TP.HCM, Hà Nội... và hiện đã mở rộng thị trường đến các tỉnh miền Trung.
Sáng chế máy làm bánh
Do số lượng bạn hàng ngày càng nhiều, trong khi thợ làm bánh chỉ làm thủ công, một thợ giỏi lắm thì một ngày chỉ làm được chừng 10 kg bánh nên không đủ bánh giao. Trong khi đó, bánh hạnh nhân luôn bán đắt vào dịp tết và bánh có hình hoa mai, hoa đào càng được chuộng. Nghĩ vậy, ông Hùng bàn với vợ cải tiến mẫu bánh hạnh nhân truyền thống thành mẫu bánh hạnh nhân hoa mai 5 cánh chưng tết, cúng ông bà cho long trọng. Nghĩ rồi làm, vợ chồng ông đến các cơ sở cơ khí đặt mua máy làm bánh có khuôn hình dáng 5 cánh như hoa mai. Nhưng đến đâu cũng bị từ chối vì trên thị trường chưa có loại máy làm bánh này.
Không nản lòng, ông Hùng tự tay vẽ kiểu máy, làm khuôn hoa mai 5 cánh rồi đến thợ cơ khí, hàn tiện đặt làm theo mẫu. Tết năm 2009, ông bán bánh hạnh nhân hoa mai 5 cánh với 3 hương vị sô cô la, đậu phộng, mè và được thị trường đón nhận. Ông Hùng đã đăng ký kiểu dáng bánh hạnh nhân hình bông mai 5 cánh, bằng sáng chế giải pháp hữu ích máy làm bánh và cả hai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền trong năm 2011.
Cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân của ông Hùng hiện nay làm nhiều loại bánh nhưng bánh hạnh nhân hoa mai 5 cánh với 3 hương vị vẫn là chủ lực. Ông Hùng cho biết ngày thường tiêu thụ rất đắt, cận tết còn nhộn nhịp hơn nên cơ sở làm bánh bán không kịp dù mỗi ngày tung ra 3 tấn bánh các loại, trong khi mối lái, bạn hàng yêu cầu cần 6 tấn bánh/ngày.
Hiện nay, cơ sở của ông Hùng giải quyết việc làm cho 60 nhân công ở địa phương. Ông cho biết nếu có điều kiện sẽ nghiên cứu thị trường Thái Lan, Hàn Quốc để đưa bánh hạnh nhân hoa mai 5 cánh đi xuất khẩu...
Bình luận (0)