Tự tạo cơ hội: Nuôi cua đinh làm giàu

16/12/2015 06:04 GMT+7

Cua đinh trước đây chỉ sống trong tự nhiên nên số lượng rất hạn chế và quý hiếm. Bà Trịnh Thị Nguyệt, ở xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp, Hậu Giang) là một trong những người đầu tiên đưa con cua đinh vào nuôi nhốt và phát triển thành trang trại; doanh thu mỗi năm cả tỉ đồng.

Cua đinh trước đây chỉ sống trong tự nhiên nên số lượng rất hạn chế và quý hiếm. Bà Trịnh Thị Nguyệt, ở xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp, Hậu Giang) là một trong những người đầu tiên đưa con cua đinh vào nuôi nhốt và phát triển thành trang trại; doanh thu mỗi năm cả tỉ đồng.

Cua đinh 3 năm tuổi - Ảnh: Công HânCua đinh 3 năm tuổi - Ảnh: Công Hân
Đặc biệt, bà được coi là “bà mụ” mát tay, đã cho ra đời hàng ngàn cua đinh con, khiến nhiều nhà chăn nuôi phải khâm phục về sự năng động, sáng tạo và tính cần cù chịu khó của bà. Hiện nay, đàn cua đinh của bà Nguyệt có số lượng trên 1.000 con bố mẹ và 2.000 con hậu bị. Bà đã đầu tư xây dựng 50 bể và 4 hồ lớn trên tổng diện tích 2.700 m2; tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ đồng. Nói về khoản đầu tư mạnh tay này, bà Nguyệt kể trước đây bà nuôi trăn, khi trăn hết thời thì chuyển sang nuôi ba ba. Được một thời gian, con ba ba cũng không còn “ăn” nữa. Trong một lần tình cờ, bà phát hiện cua đinh cũng gần giống ba ba nhưng quý hiếm và giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần. Sẵn có kinh nghiệm nuôi ba ba, bà tìm mua con giống về nuôi thử. “Tôi phát hiện ra nuôi cua đinh cũng không quá khó vì nó có những đặc tính gần giống ba ba. Vậy là tôi quyết định chuyển sang phát triển con cua đinh”, bà nói.
Để việc nuôi đạt hiệu quả cao, bà tìm hiểu thêm sách vở về những đặc tính tự nhiên, thức ăn, môi trường sống của nó. Sau khi nuôi cua đinh thương phẩm thành công, bà tiếp tục phát triển bước mới là nuôi cua đinh sinh sản để cung cấp giống cho bà con xung quanh. Bà Nguyệt tâm sự: “Thấy dễ vậy nhưng thật ra cũng không phải đơn giản vì làm gì cũng phải có kỹ thuật và hiểu biết cặn kẽ mới có thể thành công. Tôi phải mày mò học hỏi không ngừng”. Bà dẫn chứng, con cua đinh khác ba ba ở chỗ là năm đầu phát triển rất chậm, chỉ khoảng 0,8 gr/con, bằng 60 - 70% so với con ba ba. Nhưng sang năm thứ 2, 3 cua đinh tăng trọng rất nhanh, có thể đạt 4 - 6 kg/con. Nuôi càng lâu trọng lượng càng tăng và có thể đạt đến 20 - 30 kg/con. Trong khi đó, ba ba chỉ có thể đạt vài ki lô gam một con. Còn về chất lượng, thịt cua đinh thơm, ngọt và ngon hơn ba ba rất nhiều. Chính vì vậy mà các quán ăn, nhà hàng cao cấp trong nước rất thích, chưa kể xuất qua Trung Quốc. Giá bán cua đinh cũng rất cao, một con giống 20 ngày tuổi 400.000 - 500.000 đồng; còn cua đinh thịt có giá tương đương nhưng tính theo ki lô gam.
Chia sẻ những kinh nghiệm về việc nuôi cua đinh, bà Nguyệt nói cua đinh có thể ăn cua, ốc, cá, tép, nhưng để tăng trọng nhanh có thể kèm thêm thức ăn viên. Bên cạnh đó phải giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, số lượng con trong từng ao nuôi vừa phải. Đối với nuôi sinh sản, nhốt chung 5 con cái và 1 con đực, con cái tự bò lên hố cát bươi đẻ, mỗi lứa 8 - 15 trứng. Mỗi năm cua đinh đẻ 3 - 4 lần trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 7 âm lịch. Trở ngại lớn nhất là thời gian trứng ấp kéo dài đến 100 ngày. “Nhiệt độ ấp của cua đinh tốt nhất là 26 - 28oC sẽ cho tỷ lệ nở rất cao. Kinh nghiệm của tôi trong việc này là dùng quạt máy giữ nhiệt độ và độ ẩm trong lò đồng nhất”, bà chia sẻ.
Bà Nguyệt được nhận giấy khen của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, UBND tỉnh về thành tích “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.