Giữa tháng 6 vừa qua, gia đình ông Võ Tiến Dũng (thôn 2, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vinh dự đón tiếp những vị khách đặc biệt: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư đến thăm trang trại vốn nổi tiếng trong vùng về hiệu quả kinh tế cao. Thủ tướng khen ngợi và đánh giá cao trang trại "3 trong 1" của hộ ông Dũng, cho rằng đây là mô hình canh tác cần được nhân rộng nhằm tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích.
Gia đình ông Dũng từ Quảng Nam vào định cư ở xã Ea Tu từ trước năm 1975, nhưng một thời gian dài vẫn chật vật với cái nghèo. Cũng như nhiều nông hộ vùng ngoại ô Buôn Ma Thuột, ông Dũng bắt đầu nghề nông bằng độc canh 0,5 ha cà phê trên vùng đất dốc. Không bằng lòng với diện tích cà phê nhỏ bé “chỉ đủ xóa nghèo”, ông Dũng làm thêm nghề phụ với xưởng nước đá tại nhà. Trong 10 năm, dành dụm được bao nhiêu tiền là ông sang nhượng thêm đất rẫy cho đến khi định hình trang trại rộng 4 ha. Khi mua lại vườn, cà phê già cỗi đều được ông Dũng phá bỏ để tái canh, đến nay hầu hết cà phê đều trong độ tuổi sung sức 6 - 8 năm, cho năng suất khá cao (4 tấn nhân/ha), trong khi năng suất cà phê bình quân ở Đắk Lắk khoảng 2,3 tấn/ha.
Ngay khi đang canh tác khu vườn nhỏ, ông Dũng tìm cách tăng thu nhập bằng nhiều loại cây khác nhau, đầu tiên là trồng sầu riêng xen với cà phê. Ở mỗi hàng cà phê, cứ cách 3 cây là ông nhổ bớt 1 cây để thay thế bằng giống sầu riêng có nguồn gốc Thái Lan. Ban đầu, do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc, số cây sầu riêng chết quá nửa do các loại nấm hại, cây sống được thì không ra trái hoặc trái ít. Không nản chí, ông Dũng tự tìm hiểu tài liệu kỹ thuật, học hỏi thêm kinh nghiệm canh tác ở những vườn sầu riêng thành công trong vùng. Đến nay, trang trại đã ổn định 3.000 cây cà phê cùng 1.000 cây sầu riêng; cạnh đó thêm 600 cây cam sành trồng xen được 4 năm tuổi.
“Trồng sầu riêng đem lại cái lợi cho cà phê là trở thành cây che bóng tuyệt hảo, giúp vườn cây luôn giữ độ ẩm vào mùa khô, tiết kiệm nước tưới. Sầu riêng còn được hưởng chế độ bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh như cà phê nên cây khỏe, trái ra nhiều”, ông Dũng phân tích. Gần như ngày nào ông Dũng cũng có mặt ở trang trại của mình, cùng 4 - 6 nhân công chăm sóc cây trồng, quan sát, đánh giá đặc điểm từng cây, kịp thời phát hiện, chữa trị những cây có dấu hiệu sâu bệnh. Những công việc này, cùng với lịch bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ông Dũng ghi chép cẩn thận vào sổ theo dõi.
Theo ông Dũng, bí quyết thành công của trang trại đa cây chính là việc khai thác tối ưu diện tích đất, cà phê trồng xen sầu riêng, cam sành ở mật độ hợp lý, sử dụng giống tốt cho năng suất cao. “Thực ra, cà phê, sầu riêng và cam sành là 3 loại cây quen thuộc với nông dân nhưng ít người cho trồng xen với nhau. Khi được kết hợp “sống chung”, cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc nên hiệu quả thu được gấp 3 lần so với trồng thuần cà phê”, ông Dũng đúc kết.
Theo thống kê của ông Dũng, trong 5 năm (2011 - 2015), doanh thu từ trang trại đa cây rộng 4 ha này đạt bình quân mỗi năm 1,2 tỉ đồng (khoảng 300 triệu đồng/ha). Riêng năm 2015, tổng thu của 3 loại cây hơn 2 tỉ đồng, trong đó cà phê chỉ chiếm 1/3: 640 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Dũng được công nhận là nông dân sản xuất giỏi của TP.Buôn Ma Thuột, báo cáo kinh nghiệm ở nhiều hội nghị điển hình. Nhiều chuyên gia nông học đến tham quan cũng đánh giá trang trại của ông Dũng là một trong những mô hình trồng cà phê bền vững có hiệu quả cao nhất ở Tây nguyên.
Bình luận (0)