Anh Định xuất thân từ một gia đình nông dân ở làng hoa Thái Phiên (P.12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cả cha và mẹ đều làm nghề trồng rau, hoa. Sau khi nhận tấm bằng kỹ sư nông nghiệp của ĐH Nông Lâm TP.HCM vào năm 2010, Định từng làm việc cho 5 công ty liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như cung cấp thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel, sản xuất phân bón vi sinh, sản xuất rau an toàn… cuối cùng là một công ty lớn chuyên sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật trước khi “về vườn” đúng nghĩa đen.
Định nói: “Lương của một kỹ sư mới ra trường không cao, nhưng bù lại mình học tập và rút ra được nhiều bài học thực tế trong quá trình làm việc, bổ túc cho những kiến thức lý thuyết học ở đại học”.
Từ giữa năm 2015, Định được cha mẹ giao cho khu vườn rộng gần 1 ha ở cạnh hồ Chiến Thắng, cuối đường Vòng Lâm Viên, P.8 (Đà Lạt). Việc đầu tiên Định làm là nâng cấp khu vườn mà bao năm cha mẹ sản xuất rau, hoa bằng việc phủ nhà kính để canh tác các loại rau ứng dụng công nghệ cao. Định trồng cà chua, dưa leo, ớt…
Cuối tháng 10.2015, được sự giới thiệu của một người bạn, anh đã mạnh dạn mua giống dưa pepino về trồng thử nghiệm. Giai đoạn đầu cây dưa phát triển chậm, nhưng Định vẫn không nản, tiếp tục nhân giống. Trên diện tích 200 m2, Định xuống giống 500 gốc dưa pepino. Trên các luống dưa pepino đều được lắp đặt 2 hệ thống tưới nước, bao gồm tưới nhỏ giọt cắm vào từng gốc dưa vừa cung cấp nước và phân bón hòa tan, song song đó là hệ thống phun sương tưới lá để phòng ngừa lúc trời nắng nóng có thể gây bất lợi cho dưa. Ngoài ra, anh Định còn lắp thêm một số quạt máy công suất lớn bên trên nóc nhà kính để làm mát cho dưa. Với kinh nghiệm học được, nhằm hạn chế các loại nấm bệnh do côn trùng gây ra, chàng kỹ sư trẻ trồng xen kẽ vào các luống dưa thêm những hàng ngò tây, một loại cây tiết ra chất tinh dầu cao, có khả năng xua đuổi các loại côn trùng gây bất lợi cho dưa pepino.
Do đây là giống cây lạ, nên vừa trồng Định vừa tra cứu trên mạng để biết những đặc điểm sinh trưởng của cây, những chất dinh dưỡng cây dưa cần. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, lại được chăm sóc kỹ càng nên vườn dưa pepino của Định phát triển khá tốt. Sau 3 tháng xuống giống, cây bắt đầu cho trái và càng vươn lên giàn làm bằng tre và giăng dây cao hơn 2 m. Đến tháng thứ 5 thì bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Có sản phẩm rồi nhưng lại bí đầu ra, vì người Đà Lạt chưa biết ăn dưa pepino. Định chụp hình đưa lên Facebook gửi cho bạn bè… than thở! Thật bất ngờ nhiều người đọc được, biết giá trị dinh dưỡng của dưa pepino nên tìm đến vườn của anh để xem, chụp hình và mua sản phẩm. Định cho biết thêm: “Cứ dịp cuối tuần, mỗi ngày có từ 3 - 4 đoàn du khách chạy xe máy tìm đến thăm vườn và mua dưa mang về”. Sau đó nhiều người từ TP.HCM, Hà Nội gọi điện đặt hàng mỗi lần vài chục ký, Định hái đóng vào thùng gửi đúng theo địa chỉ người nhận. Sau gần 3 tháng thu hoạch, anh đã thu hái được 1 tấn quả, giá bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Thấy thị trường bắt đầu quen và thích loại dưa mới này, Định tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích lên 500 m2. Thời gian gần đây một số nông dân ở H.Đức Trọng và Nam Ban, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) tìm đến vườn dưa của anh mua giống về trồng. Định sẵn sàng cung cấp giống và kỹ thuật canh tác, vì theo anh muốn nhiều người biết đến loại dưa mới này thì phải có thêm nhiều người trồng để quảng bá. Định cho biết nhiệt độ thích hợp cho dưa pepino phát triển từ 25 - 300 C, nên trồng ở Lâm Hà và Đức Trọng sẽ phù hợp hơn ở Đà Lạt.
Hiện nay trung bình mỗi ngày, vườn dưa pepino của Định thu hái 20 - 30 kg quả, nơi tiêu thụ chính là thị trường Hà Nội và TP.HCM. Theo anh Định, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật loại dưa pepino có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng 2 năm. Anh còn có sáng kiến trồng dưa pepino vào chậu để bán cho du khách có nhu cầu mang về nhà trồng. Với vườn dưa pepino này, mỗi tháng mang về cho vợ chồng anh khoảng 50 triệu đồng.
Bình luận (0)