Từ tháng 9, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT áp dụng quy định mới

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
02/09/2022 15:42 GMT+7

Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ phải học 3 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn với tổng số 35 tuần/năm.

Có hiệu lực từ ngày 10.9.2022, Thông tư 12/2022 của Bộ GD-ĐT về Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, từ năm học 2023-2024 đối với lớp 11 và năm học 2024-2025 đối với lớp 12.

Một lớp học giáo dục thường xuyên cấp THPT diễn ra tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM

v.v.đ

Thông tư này thay thế cho Quyết định số 50 ngày 7.11.2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Theo đó, chương trình GDTX cấp THPT này nhằm cụ thể hoá mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp THPT đối với GDTX, giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực.

Chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, các chuyên đề học tập lựa chọn, các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.

Cụ thể, các môn học bắt buộc bao gồm: ngữ văn, toán, lịch sử (là 3 môn học bắt buộc) và 4 môn học lựa chọn trong số các môn địa lý, giáo dục kinh tế - pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, tin học và công nghệ.

Điều khác biệt là ở quy định mới này có thêm môn công nghệ và giáo dục kinh tế-pháp luật. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra, còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số, tội dung giáo dục địa phương.

Mỗi năm học của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học một buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học và mỗi tiết học 45 phút.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.