T.Ư thảo luận về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/10/2022 06:39 GMT+7

Đặt vấn đề về tình hình KT-XH của đất nước, Tổng bí thư đề nghị T.Ư phân tích, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và 2023.

Theo thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng, ngày 7.10, tiếp tục ngày làm việc thứ 5 Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII, T.Ư Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Báo cáo tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, việc phát triển KT-XH trong năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế trong nước. Trong khi đó, ở trong nước tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn. Tổng bí thư dẫn chứng việc phải xử lý những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế, đã tích tụ từ lâu và trầm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp; giá cả hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao...

Nêu vấn đề: Phải chăng sắp tới KT-XH đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển? Tổng bí thư đề nghị T.Ư phân tích, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và 2023. Trong đó, cần đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để vừa phòng chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KT-XH, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới. Trên cơ sở đó, xác định trúng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023.

Chiều 7.10, T.Ư Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các nội dung T.Ư thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.