Tư duy lại về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/12/2021 07:00 GMT+7

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh nhìn nhận, thực tiễn 35 năm đổi mới của đất nước tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu từ nay tới năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định.

“Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0

Nhật Bắc

Theo ông Trần Tuấn Anh, hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhận định.

Trong khi đó, thông tin về Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất, trao đổi và tiêu dùng, do đó, nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, tiêu dùng số. Theo ông Hùng, đây là những “cái mới”, do đó cần thể chế mới, hạ tầng mới, nền sản xuất mới cũng như thị trường mới.

Ông Hùng thông tin, Việt Nam đặt mục tiêu cao là tới năm 2025 lọt vào top 30 thế giới về hạ tầng số. Đó là hạ tầng viễn thông băng thông rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi gia đình một đường internet cáp quang, hạ tầng điện toán đám mây để xử lý dữ liệu. Cho rằng dữ liệu giống như “một loại đất đai mới”, Bộ trưởng TT-TT đánh giá canh tác trên đất đai này sẽ sinh ra giá trị mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, nhà nước với tầm nhìn dài hạn, sẽ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản công nghệ số cốt lõi. DN công nghệ số Việt Nam, biến công nghệ số nền tảng thành dịch vụ thông qua các nền tảng số. Tất cả DN thuộc mọi lĩnh vực sử dụng dịch vụ này tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực của mình. “Mọi DN đều có thể và đều trở thành DN công nghệ”, ông Hùng nêu.

Cũng theo ông Hùng, công dân số và xã hội số chính là thị trường mới cho nền kinh tế số. “Việc đào tạo kỹ năng số cho toàn dân, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng ứng dụng số cho người dân tin tưởng sử dụng sản phẩm số sẽ tạo ra thị trường số và là động lực cho phát triển kinh tế số”, ông Hùng nhận định. Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng cần phải đảm bảo an toàn thông tin trên mạng để đảm bảo cho sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng vì đây chính là nguy cơ mới đi kèm những cơ hội mà kinh tế số mang lại.

“Mục tiêu của chúng ta là kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Nhưng nếu chúng ta làm tốt, làm mạnh mẽ thì tỷ trọng kinh tế số sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Hùng khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.