Chìa khóa “chuyển đổi số”
Phát biểu mở đầu Diễn đàn Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” sáng 6.12 do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh nhìn nhận do tác động kéo dài và khó lường của dịch Covid-19, nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19; hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan Triển lãm Công nghiệp 4.0 |
TTXVN |
Trưởng ban Kinh tế T.Ư cũng chỉ rõ quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 của VN đang gặp phải những trở ngại lớn. Cụ thể là mô hình tăng trưởng của VN chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0 |
NHẬT BẮC |
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ thông tin - Truyền thông Hàn Quốc Yong Hongtaek nhìn nhận khó có thể quay lại cuộc sống trước dịch, kể cả khi Covid-19 kết thúc, do vậy cần chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới sau dịch Covid-19. “Chìa khóa khôi phục và phát triển thời kỳ hậu Covid-19” cho các chính phủ, theo ông Yong Hongtaek, chính là đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ; chuẩn bị cho chuyển đổi số; và xây dựng các cụm đổi mới sáng tạo mà kinh nghiệm của Hàn Quốc là các “đặc khu về nghiên cứu và phát triển”.
Dẫn câu chuyện về thành công của Công ty sản xuất vắc xin Moderna của Mỹ, ông Yong Hongtaek cho biết Moderna đã phát triển thành công vắc xin ngừa Covid-19 bằng khả năng nghiên cứu của mình chỉ sau chưa đầy 1 năm kể từ khi tiếp cận được giải trình tự gien vi rút gây bệnh Covid-19. “Đây là thực tiễn tốt nhất cho thấy rằng sự đổi mới khoa học và công nghệ có thể dẫn đến các hoạt động khởi nghiệp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang giúp các nhà khoa học vượt qua thách thức trong quá trình thành lập các công ty mới nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học”, ông Yong Hongtaek nói.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng lưu ý trong tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhiều ngành gặp khó khăn song cũng có nhiều ngành tìm được cơ hội phát triển. Cho rằng cơ hội phần nhiều đến từ chuyển đổi số, ông Thắng nhìn nhận chuyển đổi số chính là chìa khóa để tìm kiếm các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch. Ông Thắng kiến nghị VN cần nhận diện đúng, nhanh chóng bắt kịp 3 xu hướng là hoạt động kinh tế không tiếp xúc, làm việc từ xa và giải nén không gian đô thị để thực hiện hiệu quả chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế. “Sự tương tác 3 xu hướng nói trên dựa trên chuyển đổi số”, ông Thắng nhận định.
Dẫn ví dụ về việc hàng triệu người lao động rời bỏ thành phố lớn trong thời gian đại dịch, ông Thắng cho rằng trong tương lai, TP.HCM với định hướng trở thành trung tâm tài chính khu vực, thế giới thì những người làm tại thành phố không nhất thiết phải sống tại đây. Họ có thể sống ở các thành phố lân cận với giá sinh hoạt rẻ hơn do 1 tháng chỉ đến công ty vài ngày. “Cần tư duy lại về quy hoạch, về hoàn thiện thể chế, về đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp và thúc đẩy liên kết vùng kinh tế xã hội chặt chẽ và có hiệu quả hơn”, ông Thắng kiến nghị.
Con người là trung tâm
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tới nay VN đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, khi chưa có vắc xin, thuốc, chưa dự báo được hết sự nguy hiểm của biến chủng thì buộc phải sử dụng các biện pháp hành chính theo cách khắt khe, nghiêm ngặt nhất và điều này khiến kinh tế phát triển chậm lại, tăng trưởng quý 3 âm. Tuy nhiên, khi chúng ta thay đổi tư duy thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì trong 2 tháng vừa qua, kinh tế - xã hội đã phát triển trở lại. “Nói vậy để thấy khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Nền kinh tế VN vẫn ổn định, vững chắc. Niềm tin người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, chia sẻ với nhiều ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt cần có cách làm đặc biệt. Ông cho hay VN đang tập trung hoàn thiện 2 chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là 2 chương trình đi liền với nhau, hỗ trợ, tác động lẫn nhau. Vì khi không làm tốt phòng chống dịch sẽ tác động ngay tới phát triển kinh tế; ngược lại, nếu không phát triển kinh tế - xã hội thì không có nguồn lực để chống dịch.
Thủ tướng thông tin trong chương trình phòng, chống dịch, sẽ tập trung vào hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực y tế. Trong đó, tập trung vào nguồn nhân lực, con người cũng như tăng cường cơ sở vật chất với các giải pháp nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chính phủ đặt mục tiêu hết tháng 12 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên; đẩy nhanh tiêm cho người từ 12 - 18 tuổi và nghiên cứu đề xuất giải pháp để tiêm vắc xin cho lứa tuổi từ 5 - 11 tuổi.
Đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp y tế, an sinh xã hội, con người; hỗ trợ doanh nghiệp và thứ 4 là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số mà nhiều đại biểu đề cập tại diễn đàn. “Tất nhiên, trong đó có công cụ tiền tệ, tài khóa. Hai chính sách tiền tệ, tài khóa phải gắn chặt với nhau, cái này thúc đẩy, hỗ trợ cái kia, không để xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau. Các chính sách bao gồm chính sách thuế, phí, lệ phí, ngân sách nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào...”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết riêng vấn đề an sinh xã hội, sẽ phải tập trung vào 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục, phòng ngừa rủi ro để người dân có công việc thu nhập và cuộc sống ổn định.
Khẳng định con người phải vừa là trung tâm vừa là chủ thể, đồng thời động lực, mục tiêu cho mọi chương trình phục hồi, phát triển, Thủ tướng cho rằng cần phải phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Ông cho biết sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Chính phủ đang triển khai xây dựng chương trình chiến lược phát triển văn hóa, trong đó nhấn mạnh phát triển công nghiệp văn hóa dưới kỷ nguyên số. “Tất nhiên, chuyển đổi số, kỷ nguyên số hay công nghệ số thì trước hết phải có xã hội số, công dân số”, Thủ tướng lưu lý.
Ngoài vấn đề con người, Thủ tướng cho rằng thể chế cũng cần tập trung tháo gỡ những nút thắt, những vấn đề mới đặt ra đáp ứng thực tiễn mới. Bên cạnh đó, cần phải có đột phá trong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm như giao thông và viễn thông. “Hạ tầng viễn thông hiện nay tương đối tốt nhưng vẫn còn vùng lõm về phủ sóng. Chuyển đổi số phải đảm bảo hài hòa, đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, xa, biên giới hải đảo. Khó mấy cũng phải làm. Không có điện và sóng thì không có công nghệ số và công dân số”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Thủ tướng khẳng định: “Người dân được ấm no, hạnh phúc, dân chủ chính là nhân quyền của VN”. Để làm được điều này, Thủ tướng cho rằng phải đổi mới kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính, gồm: xóa quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế nhiều thành phần và hội nhập kinh tế quốc tế để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Xã hội chủ nghĩa ở đây là gì? Là chúng ta không hy sinh an sinh xã hội, hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần”, Thủ tướng khẳng định.
5 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
Trình bày về khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhận định sự cấp thiết của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khi VN đang đối mặt với nguy cơ “lỡ nhịp” với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Trong vai trò cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, ông Phương cho biết chương trình sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng và hoàn thiện thể chế.
Bình luận (0)