Thủ tướng: 'Khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/12/2021 15:20 GMT+7

Thủ tướng nhấn mạnh khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ 4.0

gia hân

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên Công nghiệp 4.0 sáng 6.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Nhắc tới việc biến chủng mới Omicron vừa xuất hiện, Thủ tướng lưu ý điều này cho thấy diễn biến của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất khó kiểm soát và còn có thể xuất hiện các biến chủng mới.

"Đó là quy luật tự nhiên", Thủ tướng nói, và lưu ý quan trọng nhất là chúng ta không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ, đánh mất bản lĩnh của mình trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.

Ông cho biết, sau một thời gian chống dịch, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm với cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch.

Việt Nam cũng rút ra được 3 trụ cột trong phòng, chống dịch là cách ly, giải tỏa; xét nghiệm; và các biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Từ đó, Việt Nam đã xây dựng được công thức chống dịch là: 5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của người dân + biện pháp khác.

"Từ cách tiếp cận, xây dựng trụ cột, công thức chống dịch như vậy, chúng ta phải đưa ra cách tiếp cận mới, thay đổi tư duy mới để chống dịch. Đó là tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, khi chưa có vắc xin, thuốc, chưa dự báo được hết sự nguy hiểm của biến chủng thì buộc phải sử dụng các biện pháp hành chính theo cách khắt khe, nghiêm ngặt nhất khiến kinh tế phát triển chậm lại, tăng trưởng quý 3 âm. Tuy nhiên, khi chúng ta thay đổi tư duy thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì trong 2 tháng vừa qua, kinh tế - xã hội đã phát triển trở lại.

"Nói vậy để thấy khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc. Niềm tin người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, qua thời gian khó khăn, thử thách vừa qua, sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại được nâng lên.

"Không ai muốn khó khăn, thách thức nhưng ở Việt Nam, khi có thách thức, khó khăn thì tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại càng được phát huy. Đó chính là Việt Nam. Ai ở Việt Nam những ngày tháng này thì cảm nhận điều đó rất rõ", Thủ tướng nói.

Bối cảnh đặc biệt cần giải pháp đặc biệt

Nói về các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, chia sẻ với nhiều ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt cần có cách làm đặc biệt. "Tức là tình hình nào, mục tiêu, quan điểm, giải pháp phải đi theo tương ứng. Nói cách khác, ở giai đoạn diễn biến phức tạp thì phải có giải pháp linh hoạt, phù hợp, thích ứng tình hình", Thủ tướng phân tích.

Diễn đàn Công nghiệp 4.0 có chủ đề Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số

gia hân

Ông cho hay, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện 2 chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là 2 chương trình đi liền với nhau, hỗ trợ, tác động lẫn nhau. Vì khi không làm tốt phòng chống dịch thì sẽ tác động ngay tới phát triển kinh tế; ngược lại, nếu không phát triển kinh tế - xã hội thì không có nguồn lực để chống dịch.

Thủ tướng cũng thông tin trong chương trình phòng, chống dịch, sẽ tập trung vào hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực y tế. Ông cho biết, đại dịch vừa qua đã cho thấy những mặt mạnh và mặt yếu của hệ thống y tế. Do đó, giải pháp sắp tới là tập trung vào nguồn nhân lực, con người cũng như tăng cường cơ sở vật chất, trong đó có việc nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đặt mục tiêu hết tháng 12 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên; đẩy nhanh tiêm cho người từ 12 - 18 tuổi và nghiên cứu đề xuất giải pháp để tiêm vắc xin cho lứa tuổi từ 5 - 11 tuổi.

Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp y tế, an sinh xã hội, con người; hỗ trợ doanh nghiệp và thứ 4 là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.

"Tất nhiên, trong đó có công cụ tiền tệ, tài khóa. Hai chính sách tiền tệ, tài khóa phải gắn chặt với nhau, cái này thúc đẩy, hỗ trợ cái kia, không để nó xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau, bao gồm chính sách thuế, phí, lệ phí, ngân sách nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào...", Thủ tướng nói thêm.

Riêng vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết sẽ phải tập trung vào 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục, phòng ngừa rủi ro để người dân có công việc thu nhập và cuộc sống ổn định.

"Cả 2 chương trình đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Quan trọng nhất là 2 chương trình gắn chặt với nhau, các công cụ thực hiện nó là 2 chính sách tiền tệ, tài khóa phải gắn chặt với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, có sự tan tỏa, ảnh hưởng tích cực thực hiện chính sách", Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh, dù phục hồi hay phát triển thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược, còn ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.