Tư thế ngủ tốt cho người bệnh viêm dạ dày

Như Quyên
Như Quyên
23/11/2024 06:12 GMT+7

Tư thế ngủ và cách thức sinh hoạt hằng ngày có ảnh hưởng rất nhiều đến triệu chứng của bệnh dạ dày. Lựa chọn tư thế nằm phù hợp khi ngủ có thể giúp giảm được cơn đau, hạn chế các vấn đề như ợ hơi, co thắt dạ dày.

Nằm sao cho dạ dày thấp hơn thực quản

Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết 2 tư thế nằm mà người bệnh dạ dày nên thực hiện là nằm nghiêng bên trái và nằm ngửa với vị trí đầu cao.

“Nằm nghiêng bên trái là tư thế ngủ được khuyến khích, mang lại nhiều lợi ích, vì khi đó dạ dày ở vị trí thấp hơn thực quản, làm hạn chế trào ngược axit. Nằm bên trái cũng giúp giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES), hỗ trợ việc di chuyển thức ăn qua hệ tiêu hóa, giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn, tránh tình trạng thức ăn bị ứ đọng từ đó giảm các nguy cơ ợ chua, đầy hơi và khó chịu ở bụng”, bác sĩ Nhất Duy nói.

Tư thế ngủ tốt cho người bệnh viêm dạ dày- Ảnh 1.

Nằm ngửa với đầu cao hơn cơ thể 20-30 cm giúp giảm các cơn đau dạ dày và trào ngược thực quản

ẢNH: PEXELS

Ngoài ra, theo bác sĩ Duy, nằm ngửa với đầu nâng cao khoảng 15-20 độ trên gối hoặc trên các dụng cụ nâng đầu giường cũng giúp giữ cho dạ dày thấp hơn thực quản, giảm áp lực lên vùng bụng và giảm các cơn đau quặn thắt.

Stress có thể làm trầm trọng các triệu chứng đau dạ dày

Để giảm các triệu chứng đau dạ dày, bác sĩ Nhất Duy cho biết, ngoài việc chọn tư thế ngủ phù hợp, người bệnh nên áp dụng các thói quen dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh sau:

  • Ăn các bữa nhỏ và thường xuyên: Ăn quá no có thể gây áp lực lên dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược và co thắt dạ dày. Thay vào đó, nên ăn các bữa nhỏ, khoảng 4-5 bữa/ngày.
  • Tránh thức ăn kích thích: Tránh ăn các loại thức ăn cay, chua, nhiều dầu mỡ, caffeine hay đồ uống có cồn vì chúng có thể kích thích niêm mạc dạ dày, làm xuất hiện hoặc trầm trọng hơn các tình trạng trào ngược.
Tư thế ngủ tốt cho người bệnh viêm dạ dày- Ảnh 2.

Hạn chế các đồ cay, chua, nóng là điều mà người bệnh dạ dày cần chú ý

ẢNH: NHƯ QUYÊN

  • Không ăn trước khi đi ngủ: Người bị bệnh dạ dày tốt nhất nên ăn bữa cuối trước khi đi ngủ ít nhất 2-3 giờ để dạ dày có thời gian tiêu hóa thức ăn.
  • Kiểm soát căng thẳng: Stress có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau dạ dày, vì vậy, hãy duy trì tâm lý thoải mái, tham gia các hoạt động thư giãn như yoga, thiền, chạy bộ…
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn: Nếu cần nằm sau bữa ăn, nên nằm nghiêng trái với đầu nâng cao để giảm nguy cơ trào ngược.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo uống đủ nước để hỗ trợ tiêu hóa, nhưng tránh uống quá nhiều nước ngay trước khi đi ngủ.
  • Dùng thuốc đúng chỉ định: Nếu đã có chỉ định từ bác sĩ, nên tuân thủ các loại thuốc điều trị như thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc giảm tiết axit, tránh tự ý dừng thuốc hoặc uống thuốc không kê đơn.

Bác sĩ Nhất Duy cho hay, thực hiện các biện pháp trên sẽ giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng đau dạ dày, nâng cao chất lượng giấc ngủ trong mùa lạnh hoặc thậm chí là bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.

Ý nghĩa các vị trí đau dạ dày

Theo bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, người bị đau dạ dày có thể cảm thấy đau tại nhiều vị trí khác nhau như bụng trái, giữa bụng trên và lan ra sau lưng.

Điều này do nhiều nguyên nhân: Đau lệch qua bụng trái thường liên quan đến các vấn đề như viêm hoặc loét dạ dày, cũng có thể do lá lách; đau ở giữa bụng trên liên quan trực tiếp đến dạ dày, thường gặp trong các trường hợp viêm loét, trào ngược hoặc viêm hang vị dạ dày; còn đau lan ra sau lưng có thể là dấu hiệu của viêm dạ dày nặng hoặc biến chứng của viêm loét.

“Các cơn đau kéo dài, đặc biệt khi lan ra các vùng khác như lưng hoặc ngực, có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm như loét thủng dạ dày hoặc viêm tụy. Người bệnh nên đi khám sớm nếu triệu chứng đau không thuyên giảm hoặc trở nên nặng hơn”, bác sĩ Nhất Duy cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.