(TNO) 'Phía này là châu Âu, bên kia là châu Á. Và mọi cuộc chinh phạt từ 2.500 năm trước tới nay dù từ Tây sang Đông hay ngược lại đều sử dụng đường biển này', tay đặc vụ CIA về hưu Bryan Mills nói với con gái Kim, trong phần 2 loạt phim khá nổi tiếng Taken.
Pháo đài bên bờ eo biển Bosphorus |
Tôi nhớ câu thoại trên khi tròng trành trong một chiếc tàu du lịch loại nhỏ xuôi theo eo biển Bosphorus. Gió rất mạnh và sóng to được tạo ra từ những chiếc tàu chạy tốc độ cao khiến chúng tôi nhiều lần suýt té lăn trên sàn nếu không kịp ngồi xuống bám chặt vào ghế.
Bên trái chúng tôi là phần lãnh thổ châu Âu thuộc Thổ Nhĩ Kỳ với 3% tổng diện tích, bên phải là phần thuộc châu Á. Xa tít mù trước mặt là biển Đen, sau lưng là đường ra biển Marmara nối liền Địa Trung Hải. Eo Bosphorus dài 31 km, với chiều rộng nhỏ nhất chỉ khoảng 750 m kẹp giữa họng súng hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari. Nhìn trên bản đồ, dễ dàng nhận thấy ai kiểm soát được Bosphorus sẽ kiểm soát toàn bộ tuyến hàng hải từ Biển Đen ra Địa Trung Hải.
Tầm quan trọng tuyệt đối của eo biển này trong các cuộc mở rộng ảnh hưởng từ Âu sang Á và ngược lại đã khiến Đại đế La Mã Constantine thiết lập kinh đô tại đây với tên gọi Constantinople, vào năm 330. Vùng đất chiến lược tiếp tục đổi chủ khi lần lượt trở thành đầu não của các đế chế Byzantine, Latin, Ottoman. Khi Mustafa Kemal Ataturk thiết lập nền cộng hòa cho Thổ Nhĩ Kỳ, để bảo vệ nhà nước non trẻ trước sự đe dọa của các thế lực ngoại bang, ông cho chuyển thủ đô vào sâu trong lục địa, là Ankara ngày nay.
Hai bờ Bosphorus san sát nhà dân trên các sườn đồi, thỉnh thoảng xuất hiện một dinh thự cổ của quan lại Ottoman ngày xưa. Khó có thể nói rằng cảnh vật ở đây hữu tình nếu đã từng thả trôi trên dòng Danube lãng mạn với lầu son gác tía nguy nga ở các kinh thành Tây và Trung Âu. Tuy nhiên, đó là những xúc cảm không cần thiết ở địa bàn hiểm yếu này. Nơi chiến địa của hai nền văn minh Đông - Tây, điều người ta mong muốn nhất không phải chiêm ngưỡng cái đẹp, mà là sở hữu nó.
***
Hagia Sophia
|
“Nó to như một trái núi”. Nhà văn Mỹ Dan Brown, một trong những tác giả ăn khách nhất hiện nay, đã khái quát như thế về Hagia Sophia trong tiểu thuyết Hỏa ngục.
Hagia Sophia (Trí tuệ thần thánh theo tiếng Hy Lạp) là một Vương cung thánh đường Chính thống giáo do Hoàng đế Byzantine Justinian ra lệnh xây dựng từ năm 532-537. Đây được xem là kiến trúc Byzantine điển hình với mái vòm vĩ đại và từng là nhà thờ lớn nhất thế giới cho đến thế kỷ 16.
Năm 1453, một thanh niên Ottoman 21 tuổi tuyên bố: “Thời thế đã thay đổi, ta muốn đi từ Đông sang Tây, cũng như trước kia người phương Tây đi đến phương Đông. Trên thế giới này chỉ có thể có một đế quốc, một tôn giáo và một vương quốc. Muốn thực hiện được điều đó thì trên đời này không có nơi nào phù hợp hơn Constantinople”.
Sau đó anh ta lãnh đạo quân đội vây hãm Constantinople, lúc này đang do đế quốc Đông La Mã kiểm soát. Gần 2 tháng sau thành Constantinople thất thủ, hoàng đế Constantinus XI tử trận trong đám loạn quân. Người trẻ tuổi đó - được gọi là Mehmed II hay Fatih Sultan Mehmet (Mehmed vô địch), Sultan thứ 7 của đế chế Ottoman - dẫn đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản vương đô.
***
Một phần lớp vữa phủ trên các bức tranh thánh đã được cạo ra
|
Năm 2001, cả thế giới bàng hoàng khi hay tin chính quyền Taliban phá hủy 2 bức tượng Phật cao nhất thế giới tại Bamiyan, Afghanistan. Hai bức tượng vô giá này được tạc vào vách núi từ 1.500 năm trước, với chiều cao lần lượt là 53 và 38 m. Theo gót Taliban, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đang tiến hành phá hủy hàng loạt di sản văn hóa nhân loại ở Syria, Iraq "một cách tàn bạo và có hệ thống" như nhận định của Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) Irina Bokova.
Vậy, hơn 550 năm trước, Mehmed II - người đã từng tuyên bố sắt đá "một tôn giáo" - đối xử với các di sản phi Hồi giáo ra sao khi đã làm chủ Constantinople? Sự hủy diệt đã không bao giờ xảy ra. Hoàng đế của người Ottoman chỉ ra lệnh trát một lớp vữa vào những bích họa tôn giáo trong Hagia Sophia và biến nó thành thánh đường Hồi giáo. Ngoài Hagia Sophia bị chuyển công năng như một biểu tượng của cuộc thay đổi quyền lực, các thánh đường Thiên chúa giáo khác vẫn được phép duy trì. Ngoài ra, trong triều đại Mehmed II các giáo hội Thiên chúa giáo Armenia, Do Thái giáo và giáo hội Hy Lạp cũng được hoạt động tự do.
Năm 1935, chính phủ cộng hòa chuyển Hagia Sophia thành viện bảo tàng và từ đó đến nay, tòa kiến trúc khổng lồ này trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Những bức tranh thánh được cạo một phần vữa đã trở thành một phần lịch sử, đồng thời như một tuyên cáo trước toàn thế giới về sự văn minh của người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ.
***
Có thể gặp đủ sắc dân ở Istanbul
|
Tại cửa ngõ Âu - Á Istanbul, chẳng có gì lạ khi bạn có thể bắt gặp đủ sắc dân trên toàn thế giới. Người ta nói rằng vùng đất này là nơi có hoạt động gián điệp nhộn nhịp bậc nhất. Có lẽ điều này đã gợi cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood khi có tới 2 bộ phim về gã điệp viên nổi tiếng người Anh James Bond lấy bối cảnh Istanbul (The World Is Not Enough và Skyfall). Còn với du khách nói chung, cảm hứng về thành phố này là một sự hỗn độn đầy mê hoặc. Theo bảng xếp hạng Global destination cities index năm 2015 do Master Card thực hiện, Istanbul là điểm đến yêu thích thứ 3 châu Âu và thứ 5 trên toàn cầu, với 13 triệu du khách/năm.
Kiểm soát hải lộ duy nhất từ Địa Trung Hải vào Biển Đen, nằm trên Con đường tơ lụa và mạng lưới đường sắt tới châu Âu và Trung Đông, vị trí địa chiến lược trọng yếu của Istanbul nói riêng, của Thổ Nhĩ Kỳ nói chung từ lâu đã thu hút sự chú ý của các cường quốc. Tuy nhiên, thay vì trở thành con mồi cho bầy mãnh thú xâu xé, người Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tối đa điều này để vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa tránh được các cuộc đối đầu quân sự đồng thời tạo nền tảng cho quá trình hiện đại hóa quốc gia.
Bình luận (0)