Từ trong ngọn lửa - Truyện ngắn của Ny An

24/04/2022 08:30 GMT+7

Phụng về giữa mùa nắng. Vừa đặt ba lô xuống tấm phản mọt gặm lỗ chỗ, việc đầu tiên là cầm rựa ra vườn chặt ngang gốc cây thầu đâu. Từng nhát rựa chan chát như phang thẳng vào mặt lão ta.

Lão lấm lét nhìn Phụng. Khuôn mặt nhăn nheo nhão nhoét. Cặp chân tong teo khô quéo, so ra còn bé hơn bắp tay của Phụng. Nhìn bộ dạng của lão, trong đầu Phụng thoáng tua lại hình ảnh ba Phụng nằm trên giường năm đó, da bọc lấy xương, hơi thở thều thào.

Mấy cậu mợ rì rầm nhỏ to, nhưng thấy thân cây thầu đâu lõm đứt dưới lưỡi rựa bén ngọt, đâu ai dám cản Phụng. Con nhỏ bỏ nhà đi bụi đời từ năm mười bốn, ai biết học theo côn đồ xứ nào về đây. Họ đứng ngoài cuộc mọi chuyện, hệt như cái cách trước nay họ vẫn hay làm.

Cây thầu đâu mấy chục năm tuổi kêu răng rắc rồi đổ cái ạch xuống vườn, những bông hoa li ti bay tan tác khắp nơi. Gió thoảng qua đưa mùi hăng hắc xộc vào mũi, không rõ là hương hoa hay nhựa cây. Thứ mùi đó, Phụng những tưởng cả đời này sẽ không bao giờ phải ngửi lại. Mồ hôi vã ọc ạch thấm ướt áo Phụng. Lão nuốt từng chút nước bọt, nghe cổ khô không khốc.

Minh họa: Tuấn Anh

***

Con bé lớn chạy thục mạng. Một tay ôm bọc ni lông đựng quần áo, tay kia nắm chặt kéo theo con bé nhỏ. Áng chừng phía sau không còn người đuổi theo, hai đứa dừng lại bên đường vẫy tay đón xe thồ.

Con bé lớn dặn đi dặn lại con bé nhỏ, lên xe được ngồi đằng trước thì nhớ nhìn đường. Chỉ cần ông xe thồ chở vào rừng hay rẽ sang đường vắng là rút ngay chìa khóa xe rồi nhảy xuống bỏ chạy về hai hướng, như thế ổng sẽ không nổ xe đuổi theo kịp.

Con đường chạy dài mãi, dài mãi. Cây cối vút qua, nhà cửa vút qua, tiệm tạp hóa bán món xí muội hoa mai vút qua, quán nước có món sirô đá bào giải khát vút qua. Con bé nhỏ nuốt nước miếng thèm thuồng.

Chiếc xe máy thồ hai bánh vẫn chạy bon bon. Con bé nhỏ ngồi trước, lái xe ngồi giữa, con bé lớn ôm bọc đồ ngồi sau. Có những đoạn xung quanh không hề có ngôi nhà nào, chỉ cánh đồng lúa vàng lượn sóng. Hoặc khoảng không đất trống khô chói dưới nắng.

Nắng oi nắng nồng, trời trong veo vẻo. Bình thường con bé nhỏ rất thích ngước mắt lên ngắm bầu trời, thả hồn vào những đám mây xanh dương. Mấy lần nằm gối đầu lên tay trên vạt cỏ xanh mướt sau nhà, nhìn những tia nắng chen qua kẽ lá, đẹp vô cùng. Tán cây reo nhè nhẹ, chú chim chích ríu rít. Hoặc những chú ve ngân dài.

Nhưng đoạn đường con bé nhỏ đang đi, lại mang theo quá nhiều hoảng hốt. Nó chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chỉ biết co giò chạy theo chị. Mặt chị nó căng lắm, sợ hãi lắm. Dường như nỗi sợ có thể lây lan.

Gió Lào táp thẳng vào mặt con bé nhỏ, rát rạt. Gió thổi bay cái non nớt trong trẻo, để lại những vết hoang hoải chẳng gì bù đắp được. Năm đó con bé nhỏ mới chỉ bảy tuổi.

Hình như con bé nhà bên lúc bảy tuổi vẫn được má nó bồng. Hình như thằng cu cùng lớp khi bảy tuổi được ba làm cho con diều giấy đẹp ơi là đẹp. Hình như đứa trẻ nào năm bảy tuổi cũng đang chơi nhảy dây bắn bi lò cò ở một góc vườn nhà. Nhưng con bé nhỏ vào năm bảy tuổi đã chẳng còn ba, không còn nhà. Con bé nhỏ theo chị nó “đi bụi”.

Đi được một nửa của đoạn đường gần trăm cây số, đường trưa bụng đói miệng khát. Ông xe thồ tạt xe vào một quán ăn nhỏ, gọi ba đĩa cơm và ba ly nước mía. Ông hỏi hai đứa con nít đi đâu mà xa tới rứa. Câu hỏi lặp lại lần thứ ba, con bé lớn vẫn lắc đầu chẳng nói. Ông xe thồ và con bé nhỏ cắm cúi ăn, chỉ con bé lớn lâu lâu lại thon thót hớt hải nhìn ngó xung quanh.

Thật may vì người lạ đầu tiên mà hai chị em gặp ngoài đời là một người tốt. Ông xe thồ đã chở hai đứa lên tận Trà Giác và chỉ lấy nửa giá tiền.

Rừng cây hai bên, những căn nhà bắt đầu ít dần. Xe dừng lại ở cuối con dốc, con bé lớn dắt tay con bé nhỏ đi bộ lên nhà cậu. Con đường đầy sỏi đá, dài thăm thẳm, bụi mịt mờ. Đôi chân bé xíu nứt gót của con bé nhỏ tứa máu ra. Con bé lớn khòm lưng xuống cõng em nó đi, cõng cả đoạn đường đời về sau.

Minh họa: Tuấn Anh

***

Phụng bình thản ngồi giữa tiếng nhạc đám. Kèn đang thổi bài Lòng mẹ. Ánh mắt Phụng dửng dưng nhìn tấm di ảnh. Nhẹ lau mồ hôi trên khuôn mặt đang ửng đỏ vì nắng, Phụng lờ mờ nhận ra từng đường nét trên gương mặt mình y hệt tấm ảnh nằm đằng sau khói nhang nghi ngút kia. Nếu Phụng không cắt tóc tém, nhuộm vàng rễ tre. Nếu mặt Phụng không có tàn nhang chi chít. Nếu Phụng không xỏ khuyên mũi, xăm môi thâm. Thì hẳn Phụng phải đẹp như má rồi.

Khói nhang má vẫn còn đang ấm, lão ta xin Phụng bán mảnh đất bên hè cho lão chữa bệnh. Con thương tình dượng đã ăn ở với má con hai chục năm trời.

- Rứa ai thương tình chị em tôi? Tôi đâu mướn ông ăn ở với bả mà đòi!

Phụng quắc mắt nhìn lão, gằn giọng. Tưởng chừng như gió còn không lọt qua được kẽ răng. Phụng đã phải cố hết sức để không quát tháo hay đập thêm bất cứ thứ đồ đạc chướng tai gai mắt nào dính mùi của lão ta.

Lão ta bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Đáng lắm. Hệt như ông trời hay thế lực siêu nhiên nào đó đã trả cho lão đầy đủ những gì lão đã gieo. Có lẽ suy nghĩ đó của Phụng là quá cay nghiệt với một người mắc bệnh nan y. Thế nhưng, đó chẳng phải lỗi của Phụng.

Hồi xưa, khi ba Phụng bị lao phổi, lão đã chẳng xúi má bỏ mặc ba tới chết đó sao. Bây chừ lão cũng phải nếm chút ít cảm giác cay đắng khi không người chăm sóc như thế. Từng cơn ho rạc cổ khô người của ba, nếu được chữa trị kịp thời, thì liệu ông có ra đi tức tưởi. Lửa trong mắt Phụng vẫn chưa khi nào tắt, kể từ ngày đó.

Lão đợi ba Phụng bệnh mất thì dọn tới ở chung với má, hăm he chiếm căn nhà, đâu có ngờ giấy tờ đất ba đã làm thừa kế để lại cho Phụng. Lão càng không nghĩ tới, trong bọc đồ Phụng mang theo khư khư bên mình lúc bỏ nhà đi, luôn có cái sổ đỏ và tờ di chúc của ba. Cho dù đời Phụng có ra sao, thì Phụng cũng phải cất giữ đồ của ba cẩn thận. Má không có quyền lấy lại cho lão. Chẳng máu mủ ruột rà. Sao phải cho đất để lão chữa bệnh.

Chiều tắt nắng sau hè. Phụng lại xách rựa ra chỗ cây thầu đâu đang nằm rạp trên đất, tróc chặt từng nhánh cây. Những chiếc lá mới lúc sáng còn tươi xanh, gốc thân vừa đổ xuống, qua một cái nắng gắt thì cành lá đã héo nhàu.

***

Cánh cửa phên tre khép hờ. Người đàn ông thân hình rắn chắc đẩy con bé lớn vào buồng. Tiếng kêu chưa kịp thoát ra khỏi cuống họng thì miệng con bé lớn bị nhét giẻ vào. Con bé lớn ú ớ. Giãy giụa. Cào cấu. Nước mắt giàn giụa. Rã rượi. Xé toạc.

Xong xuôi, người đàn ông nằm vật ra giường, thở khò khè. Con bé lớn với tay chụp đại bộ quần áo rách te tua, vùng chạy ra sau hè. Bữa đó, thầu đâu nở tím trời. Ráng chiều đỏ bầm màu máu. Gió tạt qua vết thương rát buốt. Cả người con bé rần rật cháy.

Có lần đầu thì sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba… Cứ thế những cơn đau uất nghẹn tiếp diễn, dai dẳng tưởng chừng không hồi kết. Con bé lớn đơn độc vật lộn với bóng tối suốt thời gian dài. Bữa cơm rón rén. Giấc ngủ chập chờn. Len lén thở, dáo dác nhìn.

Cho tới khi con bé lớn phát hiện ra ánh mắt người đàn ông loáng thoáng chuyển sang nhìn con bé nhỏ. Bữa sáng mùa hè năm đó, đợi người đàn ông dẫn con heo nái to è đi phối giống ở nhà hàng xóm, con bé lớn đã gói ghém quần áo. Không thể để con bé nhỏ trải qua những gì mà nó đã gặp phải. Bằng mọi cách, phải bảo vệ con bé nhỏ. Thế là hai chị em dắt díu nhau chạy trốn lên nhà cậu Bảy. Như sợ người đàn ông sẽ tìm tới, chỉ một tháng sau, con bé lớn dẫn con bé nhỏ ra thành phố. Và mất hút giữa biển người, chẳng còn chút tin tức. Hai con bé làm sao để sống được nơi xứ người xa lạ, đã trải qua những gì, lớn lên như thế nào, không một ai biết.

Thật ra, cậu Bảy thỉnh thoảng vẫn liên lạc với con bé lớn. Nhưng cậu giấu biệt, chưa từng kể lại cho ai nghe. Cậu thương con bé lớn lắm. Mà nào có làm khác được. Cậu cũng khổ quá thôi. Nhà cậu tít trên núi, quanh năm làm rẫy, nuôi ba đứa con đi học. Tiền bạc đâu dư dả mà chăm lo cho con bé lớn nữa.

Ngày con bé lớn dẫn con bé nhỏ băng rừng lên núi tìm cậu, cậu muốn ôm nó vào lòng lắm, lại chỉ có thể đứng nhìn từ xa. Cậu biết, cho dù là người thân, nhưng bây chừ cậu tiến tới, con bé lớn sẽ bước lui. Bất kỳ thằng đàn ông nào trên đời này đều trở thành nỗi sợ hãi của con bé.

***

Dì Mười nói Phụng hãy quên mọi thứ đi, cứ bỏ qua cho nhẹ lòng. Một câu dễ nói mà khó làm.

Phụng không hiểu, có nghĩ tới trăm vạn lần vẫn không hiểu. Tại sao nạn nhân phải chịu bao tổn thương, đau đớn, ám ảnh, nhưng người đời lại đòi hỏi họ phải tha thứ cho kẻ thủ ác? Cho dù lão ta có trả giá, thì vết thương của Phụng cũng đâu có lành sẹo. Phụng chưa từng một lần vui vẻ vì điều đó. Phải học cách để sống với nỗi ám ảnh mỗi ngày đã là điều quá vất vả với Phụng rồi.

Phụng về, muốn lấy lại những thứ mình đã mất. Căn nhà, khu vườn, và cả cuộc đời một người bình thường.

Người ta hay nói, thời gian sẽ chữa lành tất cả. Nhưng có vẻ như, họ sai mất rồi. Có những nỗi đau không gì khỏa lấp nổi. Ví như một tuổi thơ bị rách tươm sẽ chẳng vá víu được. Mười năm hay hai mươi năm? Chỉ có thời gian là trôi đi thôi. Còn đứa trẻ đó thì mãi mang trong mình những tổn thương.

Cho tới cuối cùng, má vẫn chưa từng xin lỗi Phụng. Giá mà ngày đó má tin lời Phụng nói, che chắn cho Phụng trước lão ta. Má lại chẳng làm gì cả, cứ thế giả mù giả điếc bao nhiêu lần. Đôi khi, có những người lớn đối xử quá nhẫn tâm với một đứa trẻ.

Nhưng thật may là má đã không hối hận. Lão ta cũng vậy. Đã làm tổn thương Phụng tới mức đó thì làm ơn đừng tỏ ra hối hận hay cầu xin tha thứ. Có như thế thì những năm tháng vật vã nơi xứ người để cố gắng sống tốt của Phụng mới không trở nên vô nghĩa. Phụng sợ, lỡ nghe được lời xin lỗi của má, thì Phụng sẽ chết thêm lần nữa.

***

Phụng biết cây thầu đâu vô can. Nhưng cây đã vô tình chứng kiến cái ngày nhơ nhuốc của cuộc đời Phụng. Hoa thầu đâu bung nở khắp cành, mặc cho nước mắt Phụng thấm ướt đất. Cây bị chặt gốc rồi, liệu sẽ chết đi hay nứt ra mầm non mới?

Phụng đem mấy khúc thầu đâu đi chụm bếp, lửa cháy đỏ rực, nấu sôi ấm nước đậu ván rang. Rót chén nước đặt lên bàn thờ má, tay Phụng run rẩy từng hồi. Ngày xưa má rất thích uống món nước này.

Thắp thêm nén nhang trước mộ sau khi lập bia, Phụng thay em gái tiễn má đoạn đường cuối. Em của Phụng vẫn là con bé nhỏ của ngày nào, em không nên đặt chân tới cái nơi kinh tởm này. Phụng sẽ bảo vệ sự trong sáng của em tới cùng. Trong lòng em, dường như bao năm qua chỉ có Phụng là má. Nên em đã chọn không quay trở lại. Dù sao, nếu má thương em thì đã đi tìm em từ lâu rồi.

Xong xuôi đám của má, Phụng gọi người tới bán khu vườn. Bất chấp cậu dì chỉ trỏ, can ngăn. Duy có cậu Bảy lại gần, nắm chặt tay Phụng giữa hai bàn tay mình, vỗ nhè nhẹ. Cậu thở hơi ra, lẫn trong ánh mắt vẫn còn chút bất lực của ngày nào. Kết thúc rồi, từ nay cố gắng sống cho giống con người.

Những vết sẹo chằng chịt chạy ngang cổ tay Phụng tự dưng nhoi nhói. Từ sâu trong lòng Phụng, một giọt nước mắt lăn dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.