Nói là tai biến nhẹ, cơn thiếu máu não thoáng qua từ chứng tăng huyết áp nhưng đã làm ông khá hoảng sợ khi hôm ấy bà vợ không có ở nhà. Bà đang đi du lịch với bạn bè.
Sáng sớm ngủ dậy ông thấy trong người khang khác, bước chân xuống giường, ông cảm giác chân trái hơi nặng và cánh tay trái thì mỏi nhừ. Vệ sinh cá nhân xong, ông ra mở cổng kéo vòi xịt tưới hàng cây kiểng, sau đó ông thấy mệt vào giường nằm nghỉ. Thiu thiu một chút, ông tỉnh dậy ra bếp nấu cơm. Xong nồi canh nhỏ, món mặn rồi cắm nồi cơm thì bất thình lình chân ông khuỵu xuống, không trụ được nữa. Bám tay vào thành bếp, ông từ từ lê thân vào giường. Ông cảm nhận rõ một bên mình nặng lắm, chân trái không thể cử động và cánh tay thì hoàn toàn bị đơ. Ông chắc chắn mình bị tai biến. Có một trục trặc đã xảy ra trong quá trình dẫn máu lên não. Với cái điện thoại, người đầu tiên ông gọi là vợ dù ông biết bà đang ở xa, không thể có mặt bên ông vào lúc này. Chuông đổ hồi lâu, không ai bắt máy. Ông gọi cho một cậu đệ tử ruột, vốn là chiến hữu nhậu nhẹt ân tình, xưa nay ông giúp đỡ nó khá nhiều việc rằng, ông bị tai biến nhờ cậu ấy đưa đến bệnh viện. Thằng “đệ” nói nhanh: “Em đến liền”. Ông nghe rõ giọng nói của mình bị nhịu, không trơn tru, có chút khó khăn khi phát âm.
Minh họa: Tuấn Anh |
Chồm người ra cây treo quần áo lấy bộ đồ, ông tính khoảng cách và đếm thời gian thằng “đệ” đi từ xưởng cơ khí đến nhà ông. Lúc này ông gần như đổ sụp và phải gắng hết sức. Ngồi trên giường, ông lập cập xỏ từng ống quần, công việc cỏn con này mất khá nhiều sức lực và tâm trí. Thay xong bộ quần áo, ông thở dốc ngả ra giường. Trấn tĩnh lại, ông hít thở đều. Không gian yên tĩnh như mọi ngày nhưng ông nghe tiếng kim đồng hồ nhịp vang thật lạnh lùng và sắc nét. Ông cố loại bỏ những ý nghĩ hoang mang lo lắng, chỉ chú tâm vào nhịp thở cho đến khi nghe tiếng xe thằng “đệ” dừng trước nhà.
Vừa khi ấy ông nhận điện thoại của vợ. Nghe ông báo bị tai biến, đầu bên kia giọng bà hơi mất bình tĩnh: “Bây giờ anh ở đâu?”. Ông nói: “Thằng N. vừa đến đưa anh đi bệnh viện”. Bà nói mau: “Anh chuyển máy cho em nói chuyện với nó”. Trong tiếng lao xao bên kia này bên kia, bà nói nhanh như hụt hơi, nhờ thằng N. giúp ông vì bà không có ở nhà. Rõ là một câu nhắn gửi thừa trong khi đó bà lại quên mất phải hỏi xin số điện thoại của nó. Trong lúc bối rối, quên này nhớ kia là thường tình.
Vốn là người xưa nay khỏe mạnh và có hơi tự hào về sức khỏe của mình so với bạn bè trang lứa, ban đầu ông còn chủ quan có thể ngồi sau xe máy, nhưng khi vịn tay vào thành giường gượng đứng lên, ông biết mình hoàn toàn bất lực trong việc vận động dù có đến hai người dìu ông từ phòng ngủ ra phòng khách. Đỡ ông ngồi xuống ghế, họ gọi taxi.
Chiều thứ bảy, đang thời điểm bùng dịch Covid nên khu cấp cứu bệnh viện không đông bệnh nhân. Tâm trí ông chìm vào dòng người qua lại tới lui một cách bị động, phó thác mọi thứ cho hai thằng “đệ”. Mà, ông lo được gì khi giờ đây phải ngồi trên xe đẩy, phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Mãi thật lâu sau những thủ tục rề rà, ông được chuyển lên khoa tim mạch lão học và phải ngồi ở hàng ghế bên ngoài vì còn đợi xếp phòng. Thật lâu nữa, một cô điều dưỡng đến gắn mấy mũi kim tiêm vào bàn tay ông, kết nối sợi dây cùng bình dịch truyền, xong cô móc chai dịch truyền lên một cái khoen trên tường. Ông nhìn từng giọt nước nhỏ chậm rồi lóng tai nghe những câu chuyện rời rạc chung quanh. Ông đã ngồi rất lâu với một nửa thân người bị níu trì xuống, đông cứng, mới được đẩy vào phòng, có một chiếc giường ngả tấm lưng. Kể từ lúc đó, ông là “cư dân” chính thức của khoa. Không thể biết được thì tương lai dù rất gần là một, hai giờ tiếp theo, chiều hay tối đến… tình hình sẽ tiến triển như thế nào. Nhưng đã vào đây rồi thì an tâm, ông trấn an mình như thế!
Lại có điện thoại của vợ. Bà báo rằng đã nhờ người chị họ gửi gắm bác sĩ quen, ông yên tâm nằm điều trị. Ngày mai bà sẽ có mặt bên cạnh ông, bà đã mua vé nối tiếp chuyến bay về nhà sớm nhất.
Thời gian trôi chậm và đều. Ông đếm nó bằng những giọt nước rơi xuống trong bầu nhỏ giọt. Gần hết chai dịch truyền, ông thấy cánh tay trái nhẹ hơn và chân trái có thể nâng lên, hạ xuống được. Trong đầu ông chẳng suy nghĩ gì khác ngoài chú mục vào sự thay đổi cảm giác của cánh tay, cái chân và một nửa thân mình. Ông ngẫm nghĩ gần xa, bộ não con người là đặc ân lớn nhất mà tạo hóa ban cho muôn loài trên trái đất. Là nơi quyết định độ thông minh, sự phản xạ, cách thức con người hành động và từ đó điều khiển mọi bộ phận cơ thể thực hiện những quyết định đó. Mấy năm sau này ông bị chứng cao huyết áp nhưng vẫn không thể từ bỏ được sự quyến rũ của thức uống có cồn, những cuộc tụ họp chiến hữu nâng lên hạ xuống, “hai ba dô”. Là điều mà bà vợ có thể cằn nhằn ông từ sáng mới thức dậy cho đến tối khi đi ngủ. Ông lại có thói quen ăn mặn. Cặp “bài trùng” này đang làm phản ông, và những mạch máu đưa lên não lên tiếng trách cứ ông. Không, chúng không thèm trách cứ ông. Một trăm tỉ tế bào thần kinh tiếp nhận thông tin từ khắp các nơi trong cơ thể, từ những hoạt động cấp thấp như đi đứng, ăn nói… đến những việc lớn lao như suy nghĩ, tính toán, phán xét, tưởng tượng; mỗi tế bào một có nhiệm vụ, liên tục làm việc, chúng không có thời gian trách cứ ông, chúng phản ứng quyết liệt, đánh nhanh, rút gọn. Một dạng đình công. Chỉ cần chúng ngưng việc qua 6 đến 8 giờ vàng của chứng tai biến là đã vô hiệu hóa được một nửa cơ thể của ông. Di chứng để lại thế nào thì ông phải chịu và thu xếp cuộc đời để sống cùng với chúng trong trạng thái “bình thường mới”. Nghĩ đến đó ông cảm thấy sợ hãi. Vô thức ông giơ chân trái lên rồi đưa tay trái xoa tóc. Ông mừng muốn rớt nước mắt. Ơn trời, ông đã làm được hai động tác nhỏ nhoi này.
Minh họa: Tuấn Anh |
Hít một hơi thật dài lấy hết can đảm, ông hồi hộp ngồi lên và cảm thấy người nhẹ nhàng. Người đàn ông giường bên cạnh nhổm dậy hỏi ông cần giúp đỡ gì không vì nghĩ rằng ông muốn vào nhà vệ sinh nhưng ông lắc đầu. Từ lúc nhập “hộ khẩu” phòng này, ông ấy đã giúp đỡ ông khá nhiều như xoa bóp cánh tay, dìu ông đi vệ sinh, cầm chai dịch truyền... Vào đây ông thấy tình người thật ấm áp. Người trước mách đường chỉ lối cho người sau. Người khỏe hơn sẵn sàng bật dậy khi thấy một ai cựa mình cần trợ giúp.
Ông vốn khỏe mạnh và chăm luyện tập thể dục nên đây là lần đầu tiên ông vào bệnh viện trong tư cách người ốm. Ngày xưa ông có hai lần chăm vợ sinh con nhưng mấy chục năm rồi, không còn đọng lại trong ông một dữ liệu nào; thế nên bây giờ, việc gì cũng khiến ông lạ lẫm.
Ông cúi xuống tìm đôi dép. Người đàn ông nhìn ông dò hỏi. Ông cười nhẹ: “Tôi thấy khỏe hơn, muốn thử xem có đi được chưa”. Một người đàn ông khác ở chiếc giường trong góc nói: “Hôm bữa tui nằm mấy ngày mới đi được”. Cũng chứng tai biến.
Xỏ dép vào chân, ông đứng lên và trụ vững. Nỗi vui mừng òa vỡ khi ông bước đi, bắt đầu từ bước thăm dò rồi thẳng lưng bước tới, dù chân trái vẫn còn hơi nặng. Ông tới lui trong phòng, ló đầu ra ngoài cửa nhìn dãy hành lang rồi vào lại, ngồi lên giường của mình. Ông lấy điện thoại và xem giờ. Đã gần qua ngày mới. Ông nhắn tin cho vợ: “Anh đi được rồi”, xong ông copy tin nhắn ấy, sửa chữ “anh” thành chữ “ba” và gửi cho hai con.
Tin nhắn từ con gái: “Mừng quá, mong ba mau khỏe”. Thật lâu mới thấy tin nhắn của vợ, chắc bà tỉnh giấc giữa khuya: “Tạ ơn Chúa, hy vọng mọi điều tốt đẹp”. Dòng tin nhắn của bà hơi khách sáo và thừa thãi. Ông mỉm cười, cất điện thoại vào túi rồi ngả lưng xuống giường, nhắm mắt.
Và ông mơ. Một giấc mơ có lẽ đẹp nhất trong cuộc đời mấy chục năm lang bạt, từ ngày ông rời xa ngôi nhà tuổi thơ. Ông gặp lại mình lúc còn bé tí. Mẹ vừa đi chợ về, bà đặt giỏ xuống đất, lôi trong cái bao bố nhỏ ra một con mèo thật to mà bà nói là con hổ con, bà mua được của một người dân tộc mang ra chợ bán. Bà mỉm cười sung sướng khi thấy lũ con trai xúm quanh con hổ, giành lấy ôm ấp. Ông được hưởng một ân huệ to lớn là mẹ tuyên bố cho ông chăm sóc con hổ con. Khỏi phải nói ông sung sướng đến chừng nào. Ông đút cho nó từng muỗng sữa, xé nhỏ miếng thịt mà mẹ ông vừa nấu xong đưa vào cái miệng xinh xắn của nó. Con hổ con ăn một cách khó nhọc nhưng rồi cũng hết. Tối đó, ông ngủ với con hổ con, ông vuốt ve nó như con mèo thỉnh thoảng vẫn lẻn vào giường nằm cạnh ông. Khuya, con hổ con cào cào vào mặt khiến ông tỉnh dậy. Nghĩ rằng nó khát nước, ông bế nó xuống bếp lấy nước cho nó uống nhưng không phải. Có lẽ nó cần đi vệ sinh chăng? Ông bế nó ra vườn, đặt nó xuống một gốc cây và chờ, nhưng con hổ con vẫn không chịu làm gì. Một lát, nó dụi đầu vào người ông và ông bế nó vào giường.
Được hai ngày như vậy thì một sáng sớm, ông bị đánh thức bởi tiếng ồn ngoài nhà. Có hai người hàng xóm qua hỏi mẹ ông rằng có phải bà mua được một con hổ con không? Ông tỉnh người và lắng nghe tiếng nói chuyện bên ngoài. Mẹ trả lời rằng bà thấy con hổ xinh quá nên mua về cho con chơi. Tiếng một người đàn ông: “Phải trả con hổ về rừng, không nuôi được đâu. Bà này không có chút hiểu biết gì về động vật hoang dã”. Hai người ấy giải thích với mẹ ông nhiều thứ lắm để mục đích cuối cùng là con hổ sẽ được mang đi. Ông nhìn con hổ con đang nép sát vào người ông và đưa tay lên vuốt đầu nó: “Có lẽ tao và mày phải xa nhau rồi”. Biết vậy, thế nhưng lúc mẹ giao con hổ con cho hai người đàn ông bế đi, ông đã gào khóc thật to, cả việc nằm lăn ra đất giãy đập tay chân cho đến lúc mẹ ông cầm cái roi mây quật vào mông ông mấy cái thật đau, mọi sự ồn ào mới chấm dứt.
Tỉnh giấc, bất giác ông nhớ mẹ da diết. Bây giờ mẹ ở đâu, bà đang nhẹ nhàng trên tầng mây nào, mẹ có biết ông vừa qua một cơn não bộ bị chấn động nhẹ không? Ông hình dung dáng mẹ nhỏ bé, thoăn thoắt ngoài vườn, sau bếp, lên nhà… Cả đời mẹ, không một ngày rảnh tay chân. Cuối đời bị mất trí nhớ, mẹ cũng suốt ngày ra vườn nhặt củi vào chất đầy quanh bếp, sắp xếp rất gọn ghẽ. Ông bỗng thèm những món ăn mẹ nấu, nó khác hẳn những món vợ ông nấu hay bất kỳ nơi đâu bên ngoài. Ông nhớ da diết mùi khói, mùi lá mục, mùi đất, sương sớm, mùi của cao nguyên… những sáng sớm ông ngồi với mẹ trong gian bếp nhỏ nhìn mẹ đưa từng thanh củi vào lò và lắng nghe tiếng lửa nổ lách tách. Mẹ là người duy nhất trên đời không buông lời phàn nàn về tật uống rượu của ông. Mỗi lần ông về nhà, mẹ luôn làm sẵn cho ông vài món nhắm. Thỉnh thoảng mẹ chỉ nói mấy lời: “Uống vừa thôi. Con người khó nhất là làm chủ được bản thân”.
Có một món nhắm rượu bà làm rất tuyệt là nem thính mà ông không thấy ở đâu chế biến được như vậy. Thịt nạc bà xắt nhuyễn, để sống rồi trộn với thính và gói trong một loại lá rau rừng (có tên gọi nhưng ông quên rồi) mà bà mua của người dân tộc. Biết ông thích món này, lần nào trước khi ông về thăm nhà, mẹ cũng lặn lội đi tìm mớ lá rau rừng gói cho ông những cuốn nem nhỏ, còn dành để mang đi nữa.
Ông nhớ hồi còn nhỏ, có một lần ông đánh đứa em kề đến chảy máu mũi vì nó làm điều gì đó không đúng. Mẹ ông đã cầm cái cây thật dài rượt ông chạy khắp vườn. Mẹ không bắt được nhưng ông nghe rõ lời mẹ nói: “Thằng này tính tình nóng nảy quá, sau này ra đời e khó”. Câu nói ấy theo ông suốt một đời với bao nhiêu lần lên bờ xuống ruộng, hết sụp ổ gà rồi đến ổ trâu. Thói kiêu ngạo, tự phụ không bỏ được, có lúc xử nhau bằng nắm đấm để rồi thất bại này chồng lên thất bại kia. Rượu là chốn trú ẩn an toàn để cười khinh thiên hạ, tự ru ngủ mình, rồi trượt dài...
Ông đọc ở đâu đó rằng, điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời con người là gặp mẹ hai lần, mẹ hứng tay ra đón khi chào đời và chờ ở một nơi nào đó khi ta sign out thế giới này. Người ta luôn nghĩ về mẹ để sống tốt hơn. Tự dưng ông thấy ấm áp và không còn sợ hãi nữa. Như mẹ sinh ra ông lần nữa, dắt tay ông tập đi từng bước một. Đời người là chuỗi khổ đau, hạnh phúc, buồn vui đan xen. Chẳng ai thoát được quy luật chung. Trong cái quy luật đời người ấy, phải biết lọc ra được những điều nhẹ nhàng, chấp nhận cái rủi và bằng ý chí vượt lên.
Ông nhắm mắt. Tiếng lao xao đi lại ngoài hành lang cho biết trời đã sáng, bắt đầu một ngày làm việc mới. Trong trạng thái lâng lâng của người vừa thoát được mối hiểm nguy, ông cảm thấy hạnh phúc ngập tràn. Ông hiểu rõ, bộ não con người hoạt động như thiết bị lưu trữ một cách an toàn, giữ gìn những kỷ niệm quý nhất của một người. Hiểu ra, những năm tháng cuối cùng, mẹ chỉ kể về những ngày bé thơ sống với ông bà. Khi con người già đi, trọng lượng não giảm, dữ liệu mất dần và chỉ còn những ký ức ít ỏi ghi lại từ buổi ấu thơ. Hiểu được tại sao lúc này ông nhớ mẹ da diết. Hiểu để chấp nhận, sống vui, tận hưởng cuộc sống và điều chỉnh thói quen, cảm xúc, hành động, không chỉ cho mình mà còn vì người khác. Sẽ rất khó. Nhưng, sống đã là khó rồi. Ai cũng vậy thôi!
Bình luận (0)