Tư vấn mùa thi: Học gì để thích ứng với sự đổi thay ?

03/03/2019 08:09 GMT+7

Nhiều thông tin quan trọng và những lời tư vấn sâu sắc đã được các thầy cô tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2019 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng và Trường ĐH Đà Lạt trao gửi đến học sinh trong sáng 2.3.

Chương trình thu hút khoảng 2.000 học sinh lớp 12 tham gia và được trực tiếp qua các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Chia sẻ với học sinh TP.Đà Lạt, ông Huỳnh Quang Long, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, nhắn nhủ: “Xã hội hôm nay thay đổi rất nhanh nên trước khi các em chọn nghề gì trong tương lai phải cân nhắc. Các em phải đối mặt với sự thay đổi, phải biết đón nhận, thích ứng với sự thay đổi. Các em chỉ thành công khi biết đối diện với những thay đổi và các thách thức… Hôm nay các thầy cô đến từ nhiều trường ĐH, CĐ sẽ tư vấn cho các em những thông tin chính thống để lựa chọn ngành học thật tốt. Tuy nhiên, việc lựa chọn phải phù hợp với sở thích, khả năng và điều kiện kinh tế của gia đình”.

Học kiến thức xã hội hay tự nhiên ?

Nguyễn Trung Hiếu, lớp 12A1 Trường THPT Trần Phú, đặt câu hỏi: “Tại sao khi một đứa trẻ sinh ra phải đi học, không đi làm ngay? Em thích các môn khoa học tự nhiên, muốn học sư phạm toán nhưng sao phải học các môn khoa học xã hội?”.
TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Đà Lạt, giải đáp: “Con người sinh ra chưa thể biết hết mọi thứ nên phải học, bắt đầu học từ lời ăn tiếng nói. Thu nạp kiến thức khoa học xã hội giúp con người hiểu biết các sự vật hiện tượng trong tự nhiên. Còn các môn khoa học xã hội giúp các em trau dồi và rèn luyện cách ứng xử, tâm tính, vốn sống…”. TS Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên VN, Phân viện miền Nam, bổ sung: “Có nhiều cách học. Không phải đến trường mới học. Cách học dễ nhất là bắt chước. Học bắt chước có cả tốt và xấu, nếu không có kiến thức thì sẽ bắt chước cái sai, cái xấu. Chính cha mẹ, thầy cô, bạn bè giúp ta biết cái gì đúng, cái gì sai, đó cũng là học. Cách học thứ ba là tương tác giữa mình và thế giới bên ngoài. Vậy phải học để làm người. Học văn sẽ nói chuyện tốt hơn, học toán giúp khi nói logic hơn”.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Trường ĐH Đà Lạt, Sở GD-ĐT Lâm Đồng, ban giám hiệu các trường THPT trên địa bàn TP.Đà Lạt; các đơn vị: Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lâm Đồng, Công ty CP phát triển giáo dục và nhân lực quốc tế Minh Anh, MobiFone Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng, Trung tâm kinh doanh VNPT Lâm Đồng, Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, TTC Lâm Đồng đã hỗ trợ thực hiện chương trình. Cảm ơn Trường ĐH Đà Lạt và UBND TP.Đà Lạt mỗi đơn vị đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh lớp 12 tại TP.Đà Lạt. Cảm ơn Công ty du lịch Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn.

Rèn luyện kỹ năng

Một học sinh đến từ Trường THPT Bùi Thị Xuân nêu câu hỏi: “Các trường THPT nước ngoài đều dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tại sao các trường ở VN không dạy kỹ năng sống?”.
Thạc sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt - Đức, cho rằng vấn đề rèn luyện kỹ năng sống cần tích lũy trong 12 năm THPT, khi lên ĐH sẽ được trang bị thêm các kỹ năng mềm, kiến thức xã hội, tư duy lập luận, tư duy logic… để tiếp cận các nhà phỏng vấn. Các trường ĐH ở VN và ĐH nước ngoài đều rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên.
Một nữ học sinh Trường THPT Tây Sơn (TP.Đà Lạt) cho biết hiện nay đang học lớp 12, em vừa tập kinh doanh; vậy thi vào ĐH, em nên học ngành marketing hay quản trị kinh doanh. Cô Đỗ Loan, Trường ĐH Yersin khuyên nữ sinh nên học quản trị kinh doanh, vì khi vào ngành này được học chuyên sâu về kinh doanh và có cả môn marketing.
Chọn nghề có giống chọn người yêu ?
Khi TS Nguyễn Hữu Long đặt câu hỏi “Chọn nghề có giống chọn người yêu không?”, sân trường A25, ĐH Đà Lạt trở nên sôi động hẳn. Có 3 luồng ý kiến: giống; không giống; vừa giống vừa không. Một nữ sinh nêu ý kiến: “Chọn người yêu, chọn vợ để sống đến cuối cuộc đời. Chọn nghề cũng vậy, phải chọn nghề thích hợp để sống cả cuộc đời”. Còn Trần Văn Thành, học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long (TP.Đà Lạt), cho rằng: “Chọn nghề và chọn người yêu khác nhau. Chọn nghề nghiệp, mình có thể “đá” nó để chọn nghề khác; còn chọn người yêu thì ngược lại, nó có thể “đá” mình!”. TS Nguyễn Hữu Long lưu ý: “Khi chọn người yêu hoặc chọn ngành nghề cũng phải dựa vào khả năng của mình, cảm thấy phù hợp mới chọn. Giữa con người với con người phải có sự đồng cảm; còn nghề nào cũng có những quy tắc bắt buộc. Có 3 yếu tố chọn nghề để thành công: thứ nhất căn cứ vào sở thích, thứ hai là năng lực và thứ ba là nhu cầu xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.