Từ việc cấm cản kết hôn gây xôn xao cộng đồng mạng: Hãy tôn trọng bản thân!

01/12/2016 09:54 GMT+7

Ở các nước phương Tây, con cái 18 tuổi là đủ tuổi trưởng thành, có quyền quyết định cuộc sống của mình từ nghề nghiệp đến hôn nhân, và chúng đủ sức chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Cha mẹ, là người hướng dẫn, hỗ trợ khi chúng cần.

Tuy nhiên Việt Nam, văn hóa Á Đông, văn hóa phong kiến còn ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận dân chúng. Cha mẹ và con cái luôn cho mình cái quyền can thiệp rất sâu vào đời sống của nhau dưới cái tên gọi “quan tâm”. Thậm chí, bà con chòm xóm láng giềng cũng luôn thừa thời gian và cho mình cái quyền “bình phẩm”, thậm chí “tham mưu” vào chuyện riêng tư người khác... đôi khi để lại một hậu quả vô cùng đáng tiếc là những tan nát, đổ vỡ cho chính người trong cuộc.
Từ cái văn hóa đó, mà những tờ báo lá cải hay những trang web muốn tăng lượt xem vì mục đích thương mại của mình, liên tục đăng những tin giật gân về đời tư người này người kia lên. Người chơi Facebook cũng vậy, họ cũng giống như những người ngoài cuộc ở làng xóm, tụm năm tụm bảy bàn tán chuyện mà không có một hướng giải quyết tích cực nào.
Mấy ngày qua, Facebook xuất hiện rất nhiều clip của đôi trai gái L. và T., người ở Phú Yên, yêu nhau nhưng bị gia đình cấm cản, đã lên Facebook “trực tiếp” khóc lóc, kêu cứu... khiến cộng đồng mạng sôi sục, “anh hùng bàn phím” có cơ hội buông lời cay độc có, cảm thương có, lượt “like” và “share” chóng mặt. Không mấy chốc, hầu như tất cả người chơi Facebook đều chỉ quan tâm theo dõi diễn biến có một việc, một gia đình. Mà hậu quả để lại thì những người có kinh nghiệm đều thấy rất rõ ràng, đó là danh dự của gia đình, của bản thân bị người ta mang ra bình phẩm kiểu “thầy cô giáo mà ứng xử vô học”, hay “ăn ở làm sao người ta mới không chấp nhận!” ... và muôn lời bình phẩm ác ý khác.
Ông bà ta có câu, chuyện gia đình thì về nhà “đóng cửa bảo nhau”, đây là vấn đề trong phạm vi của một gia đình, họ không có tiếng nói chung gây ra tranh cãi. Sau khi tìm hiểu từ hai phía, thì không có phía nào đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Cha mẹ không tôn trọng, không để con cái có quyền quyết định hôn nhân của mình. Con cái cũng không hiểu cha mẹ, không thuyết phục để đi đến kết thúc tốt đẹp mà lại có những hành động khiến cha mẹ đau lòng. Đáng lẽ, vấn đề vẫn chỉ được giải quyết trong nội bộ phạm vi gia đình, nếu có xung đột, thì người giải quyết tiếp theo là chính quyền địa phương chứ không phải là vấn đê gây “sôi sục” trong cộng đồng mạng.
Tôi không đồng tình với cách giải quyết vấn đề của bên nào cả, tuy nhiên, đỉnh điểm ở đây là những clip phát trực tiếp với nước mắt bi thương, liên tục kêu gọi “các bạn hãy share...”. Nó phần nào thấy được, một bộ phận giới trẻ bây giờ, coi Facebook là “công cụ”, là sức mạnh để đạt được thứ mình muốn mà không coi trọng vào nhân cách sống hay trái tim chân thành để thuyết phục người khác, họ chỉ cần số đông quan tâm là đủ. Họ coi Facebook như một chỗ trút giận, xả “rác”, xả stress ... hay tất tần tật những gì muốn trút lên nó.
Muốn có một xã hội biết tôn trọng nhau, muốn người khác tôn trọng mình, thì hãy tôn trọng mình trước bằng cách suy xét trước sau, bằng cách đo lường hậu quả trước khi phát ngôn và hành động mà tác giả Y Thiện ở Đắk Lắk đã viết cách đây không lâu “chơi facebook cũng như chơi dao, không cẩn thận sẽ đứt tay mình trước!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.