Từ vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Thấy trẻ em bị đòn roi, bạo hành gọi ngay 111

30/12/2021 13:26 GMT+7

Theo Cục trưởng Cục trẻ em, không thể tồn tại cách dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm. Khi thấy trẻ em bị đòn roi, bạo hành, chúng ta hãy bấm gọi ngay Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Dư luận đang phẫn nộ trước sự việc bé gái 8 tuổi V.A ở TP.HCM tử vong, cùng với đó là nhiều vết thương trên người của em. “Mẹ kế” ở cùng nhà thừa nhận đã đặt mua roi mây trên mạng về để “dạy dỗ” khi bé học online, roi mây gãy, người phụ nữ này dùng cây gỗ đường kính 2,2cm, dài 90cm để tiếp tục đánh bé gái nhiều lần.

Ngày 22.12, bé gái được đưa đi cấp cứu trong tình trạng ngưng tuần hoàn và tử vong sau đó ở bệnh viện. Kết quả giám định pháp y xác định nguyên nhân sơ bộ tử vong do phù phổi cấp - cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu. Quá trình mổ tử thi xác định bé V.A bị tổn thương vùng ngực, bụng như sau: gãy khung xương sườn 2, 3, 4 bên phải, tụ máu nhẹ tại ổ gãy; vùng đầu: tụ máu dưới da trán đỉnh phải não phù nhẹ, các cơ quan khác vùng đầu không tổn thương.

Luật sư giải thích vụ bé gái 8 tuổi: “Công an vẫn có thể thay đổi tội danh”

Không thể tồn tại cách dạy trẻ bằng đòn roi

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, bất kỳ một hành vi bạo lực trẻ em nào khi được báo chí thông tin, đặc biệt những vụ gây thương vong nặng nề cho con trẻ cũng làm dậy sóng dư luận.

Căn hộ bé V.A sinh sống cùng cha và "mẹ kế"

Công an cung cấp

Theo ông Nam, mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò.

“Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại truyền thống hay phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm. Một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ đã xảy ra, một khi sức khỏe, tính mạng của con trẻ đã bị cướp mất một cách oan ức thì mọi sự dựa dẫm vào cái gọi là mục đích dạy dỗ chỉ là ngụy biện, thậm chí để trốn tránh hình phạt pháp luật”, Cục trưởng Cục trẻ em nêu ý kiến.

Bé A. có nhiều vết thương trên người khi được đưa đi cấp cứu

CTV

“Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại truyền thống hay phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm. Một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ đã xảy ra, một khi sức khỏe, tính mạng của con trẻ đã bị cướp mất một cách oan ức thì mọi sự dựa dẫm vào cái gọi là mục đích dạy dỗ chỉ là ngụy biện"

Ông Đặng Hoa Nam

Ông Nam cho rằng, mọi hành vi xâm hại trẻ em cho dù là nguy cơ hay hiện hữu thì không thể là “chuyện riêng” của bất kỳ bậc cha mẹ, gia đình nào. Trách nhiệm cung cấp, xử lý, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi của mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền đã được Luật trẻ em 2016 quy định.

Theo ông Đặng Hoa Nam, cơ quan Lao động – Thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và UBND cấp xã là những nơi có trách nhiệm và thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp để xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

Quy trình tiếp nhận và xử lý cuộc gọi của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 theo vòng màu xanh bên trong, đi song hành với quy trình hỗ trợ trẻ em theo quy định tại Nghị định 56/2017

"Mẹ kế" khai nhận đánh bé gái 8 tuổi xấu số bằng roi mây và gậy gỗ

Hãy nhớ 111

Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ, điều đáng buồn là một số sự việc bạo hành các em hiện nay lại xuất phát từ chính cha, mẹ hoặc những người nuôi dưỡng các em. Do vậy, không chỉ người trong gia đình, mà ngay cả cộng đồng, hàng xóm nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, bị đánh đập thì cần lên tiếng ngay với các cơ quan bảo vệ trẻ em. Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã được thiết lập để thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Cư dân làm lễ tưởng niệm bé V.A

CTV

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Gọi 111 để cứu trẻ em. Để cứu sức khỏe và sinh mạng của trẻ em khỏi những vụ việc xâm hại, bạo hành, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức hãy thông báo nhanh nhất, sớm nhất cho các cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là tổng đài 111”.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tiếp nhận hơn 316.000 cuộc gọi. Giai đoạn cao điểm dịch, tổng đài 111 tiếp nhận hơn 50.000 cuộc gọi mỗi tháng, gần gấp đôi thời điểm bình thường, trong đó chiếm phần đông là số ca tư vấn về xâm hại, bạo lực, quan hệ ứng xử.

LS Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn LS TP.HCM cũng đau lòng cho rằng, sự việc bé gái 8 tuổi tử vong gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo hành trẻ em, vấn nạn về sự thờ ơ, vô cảm vẫn còn tồn tại trong xã hội. Trách nhiệm các bên ở đâu khi xảy ra sự việc? Nếu có sự can thiệp kịp thời, có thể vụ việc đau lòng đã được ngăn chặn. Do đó, chúng ta cần chung tay, góp sức để kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực, quan tâm hơn tới việc bảo vệ sức khỏe, thân thể, bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành và mọi hành vi xâm hại trẻ em phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Đoàn LS TP.HCM, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, đánh đập, chúng ta có thể trình báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xác minh, can thiệp.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh thông tin về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang vào sáng 28.12.2021

vũ phượng

“Dấu hiệu nhận biết những trẻ em bị bạo hành, xâm hại sức khỏe, tinh thần có thể là đứa bé lầm lỳ, ngại giao tiếp, những tiếng la hét bất thường, tiếng đánh đập, chửi bới… Trong một gia đình bình thường không thể có chuyện suốt ngày dạy con bằng đòn roi đến mức ầm ầm”, LS Phát phân tích.

LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thì lưu ý, khi nghi ngờ trẻ em bị bạo hành, chúng ta cần nhớ là bấm gọi 111 hoặc có thể báo Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, UBND hay công an địa phương để kịp thời ngăn chặn những chuyện đau lòng có thể xảy ra.

Theo LS Lê Trung Phát, với những bằng chứng, lời khai trước mắt mà công an thu thập được và khởi tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội Hành hạ người khác, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan.

Sau khi khởi tố vụ án cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định pháp y xác định rõ nguyên nhân tử vong của cháu bé và lời khai của bị can với hành vi của mình gây ra cho bé V.A thì cơ quan công an vẫn có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự bị can Trang về các tội nặng hơn là Cố ý gây thương tích hoặc Giết người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.