Từ vụ bé trai bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì khi con gặp nguy hiểm?

17/08/2023 09:59 GMT+7

Từ vụ việc bé trai 7 tuổi ở Hà Nội bị cựu cán bộ CSGT bắt cóc rồi yêu cầu nộp tiền chuộc 15 tỉ đồng, nhiều câu hỏi đặt ra là cha mẹ cần làm gì khi con gặp nguy hiểm?

Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra vụ án bé trai 7 tuổi trú tại P.Việt Hưng (Q.Long Biên, Hà Nội) bị bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nghi phạm được xác định là Nguyễn Đức Trung, 31 tuổi, cựu cán bộ CSGT thuộc Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ vụ việc trên, nhiều người đặt vấn đề cần làm gì để phòng ngừa đối với tội phạm bắt cóc, nếu không may trẻ rơi vào tay tội phạm thì cha mẹ, gia đình cần ứng xử ra sao?

Từ vụ bé trai bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì khi con gặp nguy hiểm? - Ảnh 1.

Bé trai 7 tuổi tại Hà Nội bị bắt cóc, yêu cầu nộp tiền chuộc 15 tỉ đồng

CHỤP MÀN HÌNH

Nhận diện nguy hiểm

Theo thượng tá, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để tống tiền cha mẹ tuy chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu tội phạm nhưng đó là hành vi đặc biệt nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng của trẻ, gây hoang mang, lo sợ cho gia đình và xã hội.

Một số "chiêu thức" loại tội phạm này sử dụng như: tìm cách tiếp cận khi thấy trẻ chơi một mình hoặc ở xa người lớn, dùng những thứ hấp dẫn (bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi…) để dụ dỗ; giả danh người nhà để đưa trẻ đi…

Xem nhanh 12h ngày 17.8: Khởi tố vụ bé trai bị bắt cóc

Hoặc, tình huống trẻ em bị lạc cha mẹ, lạc đường, đối tượng sẽ đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa trẻ đi.

"Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm con, đối tượng lưu manh hình sự, tù tha, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc…", ông Hiếu nói.

Những vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản có sự chuẩn bị từ trước, nhằm vào các gia đình giàu có, khá giả. Đối tượng thăm dò quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân, theo dõi hành trình di chuyển của trẻ, khảo sát địa hình…

Sau khi bắt giữ trẻ, để đảm bảo không bị gia đình nạn nhân trình báo với cơ quan công an, đối tượng sẽ gây áp lực tinh thần với cha mẹ trẻ bằng cách đe dọa nếu báo công an sẽ giết hại hoặc cắt chân, tay… nạn nhân.

Hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em rất nặng nề. Hành vi này không chỉ xâm phạm, đe dọa, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ mà còn gây tổn hại nghiêm trọng về tâm lý của trẻ. Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Từ vụ bé trai bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì khi con gặp nguy hiểm? - Ảnh 2.

Thượng tá Đào Trung Hiếu

NVCC

Cha mẹ cần làm gì?

Để tránh trở thành nạn nhân, thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo cha mẹ cần nói với trẻ về tội phạm bắt cóc trẻ em và hậu quả của hành vi này một cách dễ hiểu nhất, tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình.

Cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ; tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho; biết kêu khóc để gây sự chú ý cho những người xung quanh nếu bị người lạ dắt, lôi đi…

Trường hợp không may trẻ rơi vào tay tội phạm, cha mẹ cần có ứng xử sáng suốt. Ngay khi phát hiện sự việc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản). Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình.

Kèm theo đơn trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, giấy khai sinh, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé, tên bố mẹ, địa chỉ, số điện thoại của mình, thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc.

Khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, cha mẹ nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi, chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng, luôn miệng xin chúng đừng làm hại trẻ, tuyệt đối không dọa sẽ báo công an.

Sau khi nói chuyện, gia đình cần báo cáo cơ quan công an toàn bộ nội dung đàm thoại, số điện thoại của đối tượng; không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.