|
Chúng ta chỉ nói mà không làm
Vụ xử hai bảo mẫu ở Thủ Đức vẫn còn khiến dư luận băn khoăn: còn những kẻ hành hạ trẻ nhỏ chưa bị lộ thì sao? Những phụ huynh như tôi thì sao? Liệu mức án đó có khiến nạn bạo hành trẻ nhỏ giảm bớt, hay chỉ ít bị lộ hơn?
Tôi xem phim Mỹ, thấy trẻ con nước họ mà bị người lớn bạo hành hoặc dọa nạt bạo hành, trẻ chỉ việc bấm điện thoại gọi 911 là được can thiệp ngay. Hoặc nếu hàng xóm nhìn thấy họ cũng gọi ngay 911. Nhẹ thì bị nhốt ở đồn cảnh sát mấy ngày, nặng thì bị cách ly với con hoặc ngồi tù.
Tôi nghĩ trẻ nhỏ ở Mỹ và các nước phương Tây được bảo vệ chặt chẽ bởi luật pháp như vậy, có thể là vì chính họ cũng đã từng trải qua giai đoạn tệ hại như chúng ta hiện nay. Nên xã hội cũng như từng cá nhân, đã được điều chỉnh bởi luật, một cách hoàn thiện hơn, khắt khe hơn và họ nói là làm.
Ở ta mặc dù đã có luật bảo vệ bà mẹ trẻ em (mà tôi nghĩ nên tách thành hai luật), mặc dù chúng ta luôn hô khẩu hiệu “tất cả vì tương lai con em chúng ta”, thì trẻ nhỏ đã đang và vẫn sẽ còn là đối tượng thiệt thòi và dễ tổn thương nhất. Vì chúng ta nói mà không làm.
Cha mẹ không có quyền đánh con trẻ
Ai cũng nói họ đánh trẻ, ép trẻ ăn, học là vì lợi ích của trẻ, mong trẻ tăng cân, muốn chúng học giỏi… Nhưng điều quan trọng nhất là chúng có vui vẻ khi ăn, có thấy ngon miệng hay không, có thấy hạnh phúc khi được hiểu biết hay không thì không ai để ý.
Sinh ra làm người, ai cũng có nỗi khổ, ai cũng bị áp lực nhiều thứ: tiền bạc, sự nghiệp, sức khỏe. Chúng ta ghét đứa đồng nghiệp hay kèn cựa mà không làm gì được nó, chúng ta không ưa lão sếp bất tài, chúng ta cú con vợ hay lải nhải mà không làm ra tiền, chúng ta căm lão chồng hay nhậu nhẹt. Ra đường thì hộc tốc cạnh tranh với đời, về nhà thì con cái eo sèo. Nhưng ta chẳng làm gì được bọn kia, vì chúng to khỏe hơn ta. Chỉ có cách trút giận vào trẻ con.
Hãy nhớ lại rằng chính chúng ta, các bậc cha mẹ đã mang con trẻ đến cuộc đời này mà không hề hỏi qua ý kiến của chúng. Ta sinh ra chúng vì tin rằng chúng là niềm hạnh phúc của ta.
Vì lợi ích của chính mình (mong có người nối dõi), vì khoái cảm của bản thân (hạnh phúc làm cha mẹ) chúng ta đã tạo ra trẻ. Chúng ta chưa bao giờ coi trẻ nhỏ là một món quà từ Thượng đế để mà nâng niu trân trọng, hoặc có nhưng đã mau quên đi điều đó.
Thậm chí, có cha mẹ còn chưa kịp chuẩn bị cho sự ra đời của chúng nói gì tới nuôi dạy. Có trẻ còn kém may mắn hơn, khi cha mẹ (hoặc chỉ có mẹ) xem chúng là một tai nạn, một gánh nặng ngoài ý muốn.
Nhưng chính vì vậy chúng ta không có quyền đánh chửi con trẻ. Hành động đánh đập và chửi bới trẻ là biểu hiện của thiếu kiềm chế và vô trách nhiệm.
Và cần phải bị lên án hay trừng phạt nghiêm khắc.
Hãy bắt đầu từ chính chúng ta.
Tôi mong các bậc cha mẹ khác hãy bớt đòi hỏi ở con mình, nhất là khi cháu còn tuổi nhi đồng. Hãy để cháu được sống như cháu muốn, gầy bé một tí cũng không sao, học chưa giỏi, viết chữ chưa đẹp cũng không sao. Đừng vì đời mình chưa thành đạt giỏi giang như mình muốn mà bắt cháu phải gánh ước mơ hoài bão của mình.
Tôi mong từng người cha, người mẹ ngoài giám sát hành vi của chính mình, ngăn chặn chính mình đánh chửi trẻ nhỏ, thì còn dũng cảm bảo vệ ngay cả khi trẻ không phải là con mình, ngay khi trẻ là xa lạ.
Tôi mong cảnh sát hãy ưu tiên can thiệp nhanh chóng khi có các cuộc gọi liên quan đến trẻ nhỏ. Tôi cũng mong hội bảo vệ bà mẹ trẻ em có tiếng nói mạnh hơn.
Nhất là tôi mong cơ quan chức năng có biện pháp cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn với những kẻ làm cha mẹ mà bạo hành con cái, dù là đánh đập hay chửi mắng. Vì thật ra, ngay trong từng ngôi nhà, nhiều trẻ đã bị bạo hành bởi chính người thân.
Phạm Quy (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM
>> Vụ xử bảo mẫu và nỗi khổ làm con
>> Hàng ngàn người theo dõi xử 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em
>> Cô giáo bị tố đánh trẻ 4 tuổi bong gân
>> Cô giữ trẻ thừa nhận đánh trẻ 2 tuổi
>> Cô giáo đánh trẻ 28 tháng tuổi
>> Tác hại của việc đánh trẻ
Bình luận (0)