Từ vụ 'mất tiền' ở Eximbank: Ngẫm chuyện 'gà chết' vì gặp 'bút sa'

Phan Thương
Phan Thương
09/03/2018 14:35 GMT+7

Thực tế trong các giao dịch tại ngân hàng, khi khách hàng trót 'đặt niềm tin' vào nhân viên ngân hàng thì câu chuyện ký khống trên giấy tờ không phải là hiếm.

Trong câu chuyện giữa khách hàng Chu Thị Bình và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), bà Bình cho biết trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bà mới té ngửa khi thấy hồ sơ tài khoản tiết kiệm của mình tại Eximbank có hai giấy ủy quyền cho hai người rút tiền từ 31 sổ tiết kiệm.
Trong hai giấy ủy quyền này có chữ ký của bà Chu Thị Bình mặc dù bà Bình khẳng định mình không làm giấy ủy quyền này vì hoàn toàn không quen biết, không giao dịch với những cá nhân trên.
Liên quan đến chữ ký thật ở giấy ủy quyền, bà Bình cho biết đó là những chữ ký để hoàn tất thủ tục tất toán sổ tiết kiệm chứ không phải để ủy quyền rút tiền.
Sổ tiết kiệm có 400.000 EUR, trên hệ thống còn… 1 triệu đồng
Vào năm 2015, ông D.T.N (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) gửi tiết kiệm 400.000 EUR tại một chi nhánh ngân hàng ở Q.1 (TP.HCM) nhưng khi cần rút thì số tiền đã "bốc hơi". Đến nay ông N. vẫn đang ròng rã đi đòi lại khoản tiền này từ ngân hàng.
Cụ thể, tháng 12.2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn, ông N. từ Pháp về Việt Nam, đến phòng giao dịch rút hết các sổ cũ, dồn lại, cộng thêm một số tiền mới chuyển về, để nhập chung một sổ với số tiền là 400.000 EUR.
Ngày 2.2.2015, ông N. mang sổ tiết kiệm mình đang giữ đến ngân hàng để rút tiền thì mới biết sổ này trên hệ thống chỉ còn có 1 triệu đồng.
Ngày 5.2.2015, phía ngân hàng gửi ông N. thông báo cho biết số tiết kiệm có 400.000 EUR của ông đang được cầm cố thế chấp để vay 10,4 tỉ đồng và vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra.
Gần 1 năm sau, giám đốc phòng giao dịch mà ông N. gửi tiền bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”, “vi phạm các quy định cho vay…” về hành vi chiếm đoạt của ngân hàng hơn 39 tỉ đồng. Cáo trạng cũng đề cập việc ông giám đốc này (hiện vẫn đang bị truy nã - PV) đã làm 2 sổ tiết kiệm mang tên ông N. với số dư 400.000 EUR, trong đó sổ tiết kiệm giả được giao cho ông N., còn sổ thật được sử dụng để lập khống các hồ sơ tín dụng vay 10,4 tỉ đồng, rồi chiếm đoạt.
Tháng 2.2017, vụ án được TAND TP.HCM đưa ra xét xử. TAND TP.HCM xác định số tiền ông N. gửi tại ngân hàng trên là có thật, tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề chưa rõ, bao gồm cả chữ ký thật của ông N. trên các giấy tờ rút tiền, ủy quyền…, trong khi bị can chính đang bị truy nã, nên tòa quyết định tách giao dịch giữa ông N. và ngân hàng thành một vụ kiện khác.
Ông N. cho biết khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, ông giám đốc phòng giao dịch và nhân viên có đưa cho ông N. ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng, mà ông N. được giải thích là những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền.
Coi chừng “bút sa gà chết”
Qua hai câu chuyện trên, luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm đoàn LS TP.HCM) cho rằng để tránh rủi ro, khách hàng cũng không nên quá tin tưởng vào nhân viên ngân hàng mà ký khống một số giấy tờ.
“Ông bà ta đã nói 'bút sa gà chết', cho nên, người gửi tiền tuyệt đối không ký khống vào bất kỳ giấy tờ nào khi giao dịch với ngân hàng để tránh tự đem đến rủi ro cho mình”, LS Nghiêm nêu.
Tiến sĩ Lê Minh Hùng (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) cũng khẳng định khi xảy ra việc tiền của khách hàng bị “bốc hơi” thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng bởi các bên đã có hợp đồng tiền gửi.
“Đấy là cách giải quyết hậu quả khi phát sinh sự cố. Nhưng để phòng rủi ro, chính khách hàng cũng nên tự bảo vệ mình. Nhiều khách hàng khi đến giao dịch tại ngân hàng thường mang tâm lý phụ thuộc vào ngân hàng. Khi nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng ký khống vào một số giấy tờ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy ủy quyền… với lý do để mọi thủ tục được nhanh gọn, thì không phải khách hàng nào cũng tỉnh táo từ chối”, tiến sĩ Hùng nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.