Vụ việc đã lay động trái tim của nhiều người, không chỉ vì số phận quá đỗi nghiệt ngã với cậu học trò Nguyễn Mạnh Huy, mà còn vì vụ việc này đã trực tiếp tác động đến sự thay đổi căn bản chế độ tuyển sinh quá lỗi thời lúc bấy giờ.
Mùa tuyển sinh năm 1987, Nguyễn Mạnh Huy là một học sinh ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (cũ). Liên tiếp hai năm 1981, 1982 Nguyễn Mạnh Huy đậu đại học với số điểm rất cao, nhưng cả hai lần em đều không được đi học chỉ vì lý lịch xấu - cha là sĩ quan chế độ cũ chết trận. Huy đành đi làm thợ mộc ở một hợp tác xã. Bốn năm trời lao động nghiêm túc, Huy trở thành một thợ cả bậc cao, nhưng niềm say mê được vào đại học vẫn cháy bỏng trong lòng em. Huy âm thầm ôn lại bài vở, thi vào trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Lại một lần nữa, Huy thi đậu dư điểm so với điểm chuẩn. Và cũng một lần nữa em nhận được câu trả lời: Không được đi học vì lý lịch có vấn đề.
Huy quá đau buồn, mong chờ một bàn tay nâng đỡ, giúp em vượt qua số phận nghiệt ngã. Em đã nghĩ đến báo Thanh Niên trong tình thế tuyệt vọng đó, và đã viết cho Thanh Niên một lá thư nói hết hoàn cảnh và ước vọng được đi học của mình.
Thư Huy viết trên những trang giấy học trò sạch sẽ, chữ viết ngay ngắn dễ đọc. Bức thư đó đã được bộ phận văn thư chuyển đến tôi vào gần cuối giờ làm việc một buổi chiều. Dạo đó, báo Thanh Niên còn đóng trụ sở ở 20 Ter Trần Hưng Đạo, Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Báo còn mang tên Tuần Tin Thanh Niên mỗi tuần ra 1 số 16 trang - in 2 màu khổ 20x28. Lúc ấy, tôi mới về báo Thanh Niên, chưa có chức danh chính thức nhưng công việc được Ban Biên tập giao là công việc của Thư ký tòa soạn. Tôi đọc bức thư của Nguyễn Mạnh Huy, vô cùng xúc động. Lòng hiếu học và đức tính kiên trì thể hiện trong cuộc sống của Huy đã thu hút tình cảm của tôi: phải đứng về phía em. Tôi ghi bên lề bức thư mấy dòng ý kiến của mình để chuyển cho anh Trần Đình Sơn Cước, Trưởng ban Công tác Bạn đọc xử lý.
Nguyễn Mạnh Huy (bên phải) gặp gỡ Ban Biên tập Tuần tin Thanh Niên |
Lẽ ra, bức thư này phải đến tay anh Cước trước, nhưng chiều đó anh bị cảm nên ở nhà. Tôi làm xong công việc trong ngày, bước xuống cầu thang định ghé phòng Công tác Bạn đọc để chuyển bức thư. Không hiểu sao tôi lại phân vân, rồi gấp bức thư đút vào túi áo. Cơn mưa chiều vừa mới tạnh, trời hửng lên, tôi lấy xe đạp ở tầng trệt thong thả đạp xe lên nhà anh Cước. Vừa đạp xe, vừa suy nghĩ về số phận của cậu học trò kém may mắn này. Phải mất hơn nửa tiếng tôi mới đạp xe đến nhà anh Cước cạnh hồ bơi đường An Tôn, trước chợ Tân Bình. Tôi đưa bức thư cho anh và nói thẳng không rào đón trước sau: "Ông vắng, chiều nay thường trực chuyển cho tôi thư của cậu học trò ở Qui Nhơn, tôi đọc xúc động quá, ông đọc đi và xem thử có cách gì cứu cậu ta không".
Anh Cước mở thư, chậm rãi đọc - tính anh vốn thế, anh là một luật sư giỏi, tính tình cẩn trọng, khéo léo. Đọc xong, anh chắc lưỡi: "Tội nghiệp thằng nhỏ!". Giọng anh trầm xuống, thoáng bức bối. Tôi mừng vì có người đồng cảm. Thấy anh đã khỏi bệnh, nhẩm tính số tiền trong túi, tôi rủ anh ra quán cà phê cạnh nhà nói chuyện tiếp. Tôi hăng say đưa ra ý kiến của mình: Sự phân biệt đối xử trong chế độ tuyển sinh có lý lẽ sâu xa là nhằm bù đắp những thiệt thòi của con em diện chính sách, do phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc chiến tranh. Thế nhưng nếu áp dụng trong lĩnh vực tuyển sinh sẽ gây ra hậu quả là bóp nghẹt nhân tài đất nước, gây ra bất công xã hội và làm rạn nứt trong lòng dân tộc. Chúng ta có thể ưu đãi thật nhiều cho diện chính sách trong suốt quá trình học tập, nhưng đến lúc đi thi thì phải đối xử công bằng với tất cả mọi đối tượng, đặc biệt trong các kỳ thi quốc gia. Tôi nói với anh Cước tôi là con liệt sĩ, nhưng tôi không đồng tình với sự phân biệt thành phần trong tuyển sinh.
Nguyễn Mạnh Huy (trái) chụp hình với các bạn ở năm đầu tiên học đại học (năm 1988) |
Anh Cước hoàn toàn tán thành những ý kiến của tôi, anh còn bày tỏ cảm xúc về bức thư của Nguyễn Mạnh Huy. Đặc biệt anh ngợi khen ý chí và lòng kiên trì của Huy trong quãng thời gian làm thợ mộc - lao động kiếm sống nghiêm túc và trở thành một phó mộc có tay nghề cao, đồng thời vẫn âm thầm đèn sách, nuôi chí bước vào ngưỡng cửa đại học. Anh nói sẽ giữ lại bức thư để tối đó viết bài, tôi có nhiệm vụ biên tập để cơ cấu vào trang và giải thích vụ việc khi trình duyệt bài với anh Nguyễn Công Khế. Chúng tôi đang hăng chuyện thì từ ngoài cửa quán, anh Lê Nhược Thủy dựng xe gắn máy tươi cười bước vào. Vốn người hào phóng nên khi có anh Thủy, “bữa tiệc cà phê” trở nên sáng sủa. Anh tới tấp gọi thêm cà phê, rút túi quẳng ra bàn một gói thuốc đầy "có cán" nghiêm chỉnh. Dạo đó, anh Lê Nhược Thủy vẫn chưa về báo Thanh Niên. Chúng tôi lại rôm rã chuyện đông, chuyện tây, mãi tận chiều tối mới chia tay.
Hôm sau, tôi có trong tay một bài viết ngắn của anh Cước cho chuyên mục "Qua thư bạn đọc". Chỉ một vài lời dẫn nhập để trích đoạn bức thư của Nguyễn Mạnh Huy. Bức thư với lời lẽ chân thành tự nó đã nói lên số phận nghiệt ngã và tâm nguyện tha thiết được đi học của em. Một cách xử lý thật khéo léo. Tôi giữ nguyên không biên tập gì và đem trình duyệt. Tôi biết anh Nguyễn Công Khế rất quan tâm đến những trường hợp như Huy, và quan điểm của anh cũng rất rõ ràng, đó là phải đòi hỏi công bằng cho các em. Thuở đó, khi tôi chưa về công tác thì báo Thanh Niên cũng đã theo đuổi vụ Dương Thị Hà My ở tỉnh Thuận Hải (cũ), một nữ sinh bị trở ngại việc học hành cũng vì lý do tương tự như Huy. Tôi thuyết minh ngắn gọn vụ Nguyễn Mạnh Huy và nhắc đến Hà My. Anh Khế đọc bài và ký duyệt ngay. Anh dặn đi dặn lại tôi đưa lên đầu trang và cho đăng ngay vào số tới để can thiệp cho Huy kịp năm học.
Thế là Thanh Niên số 84 ra ngày 21 - 27/9/1987 khởi đăng vụ Nguyễn Mạnh Huy.
Số báo vừa ra, lập tức nhận được hàng chục bức thư của bạn đọc từ khắp nơi gửi về, đồng tình ủng hộ báo Thanh Niên. Đa số thư đều lên án chủ nghĩa lý lịch hẹp hòi. Một thanh niên gia đình có truyền thống cách mạng đã viết: “Hoài bão của Huy không khác gì hoài bảo của mình. Có khác chăng đó là Huy trót sinh ra với một lý lịch xấu hơn mình. Mình không nghĩ rằng sự xem xét lý lịch là không cần thiết, nhưng cái chính là phải xét đến nỗ lực của bản thân. Bởi vì ở đời có ai chọn cửa để sinh ra đâu!”...
Nguyễn Mạnh Huy bảo vệ luận án tốt nghiệp năm 1993 |
Anh Khế chỉ đạo mở diễn đàn đăng ý kiến bạn đọc để tạo sức mạnh của công luận. Quả đúng như thế, thư bạn đọc lại tới tấp gửi về, nhiều bức thư bày tỏ sự quyết liệt sẵn sàng đứng bên cạnh báo Thanh Niên. Từ chỉ đạo của anh Khế, tôi đã rút ra được một bài học nghiệp vụ quí báu là sử dụng thư bạn đọc thành một lợi thế đấu tranh. Về sau, tôi đem áp dụng kinh nghiệm này cho một số vụ việc khác và thấy rất hiệu quả.
Một số báo bạn lên tiếng ủng hộ báo Thanh Niên. Nguyễn Mạnh Huy thêm hy vọng và tin tưởng. Huy viết trong nhật ký:
"4/11/1987
Cả ba tờ báo lớn nhất hiện nay của thanh niên đang cố gắng đấu tranh cho việc học của mình. Thế là sau phát pháo đầu tiên của báo Thanh Niên, thì báo Tiền Phong và sau đó là Tuổi Trẻ cũng vào cuộc. Thật cảm động, mình không ngờ các anh lại quan tâm đến quyền được học của thanh niên đến thế. Mình không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của mình đối với các anh, đối với Bộ ĐH và các bạn đọc. Mình tin rằng với sự cố gắng nhiệt tình của các anh, sự ủng hộ của đông đảo dư luận cả nước rồi mình sẽ được đi học".
Thế nhưng, từ tỉnh Nghĩa Bình vẫn một câu trả lời lạnh lùng: không cho Nguyễn Mạnh Huy đi học. Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình gửi cho báo Thanh Niên một điện văn khẳng định: “Về việc tuyển sinh vào các trường Đại học, trong tổng kết năm 1986 đồng chí giáo sư, thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Mai Hữu Khuê đã nói công tác tuyển sinh khẳng định là phải mang tính chất giai cấp, ở bất cứ chế độ xã hội nào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, đội ngũ đó phải trung thành với chế độ và phục vụ một cách có hiệu quả cho chế độ đó”.
Tình hình trở nên căng thẳng khi một số người có trách nhiệm và quyền hạn ở một số cấp phê bình báo Thanh Niên làm ồn ào vụ Nguyễn Mạnh Huy trong khi còn nhiều chuyện lớn hơn chưa làm, họ bảo báo chí chuyện nhỏ xé cho to, kích động dư luận, cào bằng... Để đấu tranh với những luận điểm thủ cựu này, anh Nguyễn Công Khế viết bài xã luận Đâu thể xem là chuyện nhỏ đăng trong mục Câu chuyện hàng tuần số ra ngày 21/12/1987, có đoạn viết: “Không có việc gì đụng đến từng số phận con người lại là việc nhỏ cả... Cho đến bây giờ, chưa lúc nào tôi lại xem một chuyện nghiêm túc, như chuyện tính toán đào tạo cho xã hội xã hội chủ nghĩa một đội ngũ tri thức có tài, đủ sức tiến kịp trình độ thế giới, lại là chuyện nhỏ. Chưa bao giờ tôi có thể nghĩ rằng mọi công dân được sống, học tập, làm việc theo hiến pháp và pháp luật lại bị chính một Ban giáo dục chuyên nghiệp một tỉnh vi phạm quyền được học tập lại là chuyện nhỏ...
Tháng 9/1945, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, Bác Hồ của chúng ta đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Nếu quan niệm việc học tập như Bác Hồ đã từng dạy thì không thể có quan niệm khác với những thanh niên có chí tiến thủ, ham học và học giỏi”.
Không những đầu tư vào việc chỉ đạo cho tòa soạn xử lý từng tình huống, anh Khế còn dành thời gian viết thư động viên Nguyễn Mạnh Huy và trực tiếp viết một số bài quan trọng. Cho đến nay, trong hồ sơ lưu trữ vẫn còn bút tích những bài viết nóng bỏng và kiên quyết của anh về vụ Nguyễn Mạnh Huy.
Thế nhưng, vụ việc vẫn giằng co không đi đến kết thúc, mãi cho đến những ngày cuối năm 1987.
Đại hội đoàn và cuộc cải cách chế độ tuyển sinh
Cuối năm 1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 27 đến 30/11/1987. Đại hội có 7 Trung tâm hội thảo. Vụ Nguyễn Mạnh Huy đã được các đại biểu nêu ra ở cả 7 trung tâm để thảo luận. Các đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN Trần Hồng Quân. Đại hội còn thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị về thay đổi chế độ tuyển sinh. Với tư cách đại biểu, anh Nguyễn Công Khế đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng: “Công văn của Bộ ĐH gửi cho Tỉnh đề nghị xem xét - chứ không phải chỉ thị giải quyết trường hợp Nguyễn Mạnh Huy, là chưa thể hiện được trách nhiệm và quyền hạn của một cơ quan cấp nhà nước trong lãnh vực này. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng trả lời cho chúng tôi về trường hợp cụ thể này...”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thành Đoàn TP.HCM phát biểu: “Rất nhất trí, phải công bằng trong đào tạo. Làm thế nào để người học sinh thấy rằng học tập ngày nay chính là tương lai ngày mai, của đất nước và của chính mình. Nên thực hiện chính sách giai cấp bằng cách tạo điều kiện để diện ưu tiên học tốt hơn, đủ sức vào đại học chứ không ưu tiên bằng cách hạ điểm chuẩn. Ký túc xá của con em liệt sĩ phải đàng hoàng hơn, sách vở đầy đủ hơn, giỏi hơn... Nhưng khi đi thi không bớt điểm một cách khó chấp nhận được như hiện nay”. Bộ Trưởng Trần Hồng Quân trả lời: “Văn bản của Bộ ĐH có ghi: lý lịch “rõ ràng” chứ không phải lý lịch “trong sạch”. Đúng là giải phóng đã hơn 12 năm mà vẫn phân thanh niên làm 13 loại đối tượng là không hợp lý”. Tại Đại Hội, Bộ trưởng Trần Hồng Quân tuyên bố trường hợp Nguyễn Mạnh Huy đã được Bộ và UBND tỉnh Nghĩa Bình xem xét và quyết định cho đi học.
Suốt tuần lễ diễn ra Đại hội Đoàn ở Hà Nội, tin vui liên tiếp chuyển về tòa soạn. Rõ ràng vận động đưa được vụ Nguyễn Mạnh Huy và việc cải cách chế độ tuyển sinh vào chương trình nghị sự của Đại hội Đoàn là tính toán đầy khó nhọc và tâm huyết của đại biểu Nguyễn Công Khế - báo Thanh Niên.
Trực ở cơ quan, chúng tôi liên tục phải chờ đợi và thay đổi tin bài của Đại Hội vào giờ cuối. Thuở đó, in báo còn phải sắp chữ chì, chúng tôi chưa biết gì về máy vi tính, công nghệ tin học còn là một khái niệm quá xa vời. Mỗi lần có tin bài giờ cuối, tôi phải đạp xe qua nhà in số 7, đưa bài cho bộ phận sắp chữ, chờ in xong bản vỗ, tôi đọc lại và sửa chữa trên bản vỗ, nếu cẩn thận thì vỗ hai, ba lần, xong cho ra bản nhũ, xách bản nhũ về lại tòa soạn giao cho bộ phận trình bày, chờ montagne xong, bật đèn rọi ngược đọc lại trước khi in... Các công đoạn rất nhiêu khê và cực nhọc nhưng chúng tôi làm việc trong tâm trạng vui vẻ và phấn chấn.
Mặc dù Hội đồng Tuyển sinh tỉnh Nghĩa Bình cứ lần khần nhưng cuối cùng, khoảng 2 tháng sau cũng phải ký quyết định cho Nguyễn Mạnh Huy đi học. Năm học đã trễ nên trường Đại Học bảo lưu kết quả cho em vào niên khóa sau. Cuộc đấu tranh về vụ Nguyễn Mạnh Huy đã kết thúc thắng lợi.
***
Báo Thanh Niên đã đưa bàn tay nâng đỡ Nguyễn Mạnh Huy vượt qua số phận nghiệt ngã. Sau Nguyễn Mạnh Huy, một số trường hợp tương tự như Sơn, Hiếu, Tống Châu Sinh... đều được các địa phương giải quyết cho đi học. Nhưng quan trọng hơn là xuất phát từ đây, báo Thanh Niên đã tạo ra một làn sóng dư luận mạnh mẽ kêu đòi phải thay đổi, cải cách chế độ tuyển sinh lỗi thời dựa trên sự phân biệt thành phần và chủ nghĩa lý lịch hẹp hòi. Đại Hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam là đỉnh cao của tiếng nói mạnh mẽ và chính đáng này.
Báo Thanh Niên đấu tranh để thay đổi chế độ tuyển sinh là trực tiếp mang lại công bằng cho hàng vạn thanh niên có hoàn cảnh lịch sử đặc thù và nghiệt ngã sau chiến tranh, đồng thời đây là một đóng góp của báo thúc đẩy tiến trình của công cuộc đổi mới đất nước. 20 năm qua, báo Thanh Niên đã thành công trên nhiều lĩnh vực, đấu tranh thắng lợi nhiều vụ việc nhưng nếu ai đó hỏi tôi tâm đắc nhất việc gì, tôi sẽ trả lời không do dự là vụ Nguyễn Mạnh Huy và cuộc cải cách chế độ tuyển sinh.
Bức thư của Nguyễn Mạnh Huy đăng trên Tuần tin Thanh Niên ngày 21/9/1987 Hãy xét đến nỗ lực của tôi để có cái nhìn thoáng hơn về lý lịch, cho tôi cơ hội bước vào ngưỡng cửa đại học như bạn bè khác Bạn Nguyễn Mạnh Huy, ở tổ 25, khu vực 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Qui Nhơn, đã gửi về Thanh Niên lá thư dài rất cảm động trình bày hoàn cảnh riêng của bạn như sau: “Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1981 và dự thi vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đạt số điểm 26,5 điểm (điểm chuẩn 17). Nhưng Ban tuyển sinh tỉnh không cho tôi đi học vì lý do lý lịch. Cha tôi đi lính ngụy chết trận năm 1965. Mẹ làm thư ký đánh máy cho Ty thông tin chế độ cũ. Tôi rất buồn, nhưng với ước mơ được vào ĐH để có cơ hội rèn luyện kiến thức, góp trí tuệ xây dựng đất nước, tôi đã nộp đơn thi lại lần nữa. Năm đó tôi thi vào trường ĐH Nông nghiệp IV và đạt số điểm 22,5 điểm (điểm chuẩn là 16). Nhưng, một lần nữa, tôi cũng không được đi học vì lý lịch như năm trước. Tôi tha thiết được học tập không phải để sau này làm ông này ông kia có chức có quyền, nhưng vì khả năng và nhiệt tình tuổi trẻ muốn được cống hiến cho đất nước, nhưng động cơ trong sáng đó đã hai lần bị gạt bỏ chỉ vì tôi trót mang một lý lịch của cha mẹ sinh ra tôi. Tôi bi quan nghĩ rằng đó là số phận nên đành chấp nhận. Sau đó, tôi xin đi làm ở HTX mộc Đa Hưng Qui Nhơn. Suốt trong 4 năm lao động tôi cố gắng học nghề, đồng thời tôi vẫn không quên ôn tập bài vở với một hy vọng bé nhỏ, có một ngày nào đó, có một sự nới rộng nào đó, tôi sẽ từ người thợ mộc được cắp sách bước vào ngưỡng cửa đại học đã khép lại với tôi từ mấy lâu nay. Năm nay, tôi đọc báo thấy nhiều vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc xét xếp đối tượng và điểm chuẩn. Hy vọng lại bùng lên trong tôi, khát khao được đi học sống lại trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi quyết chí thi lại một lần nữa. Tôi xin nghỉ làm và dồn hết tâm trí vào việc luyện thi. Năm nay tôi thi vào trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Tôi đạt số điểm là 22(điểm chuẩn cho nhóm IV là 20). Tôi thấp thỏm hy vọng. Nhưng tuyệt vọng thay, tôi cũng nhận được câu trả lời như 4 năm về trước. Thế là tiêu tan bao nhiêu hy vọng. Đây là lần thi cuối cùng của tôi. Tôi tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng ba tôi đi lính rồi chết trận là việc bắt buộc. Hoàn cảnh xã hội như thế, ba tôi đi lính chẳng vì một lý tưởng nào cả. Còn mẹ tôi đi làm chẳng qua vì kế sinh nhai, một tay phải nuôi 3 con trong khi vốn liếng không có để buôn bán làm ăn… Tôi buồn vì ban tuyển sinh rốt cuộc cũng không xét đến nỗ lực của bản thân tôi, động cơ trong sáng và tấm lòng tha thiết của tôi. Xin các cấp thẩm quyền có cái nhìn thoáng hơn về lý lịch, để cho tôi cơ hội được bước vào ngưỡng cửa đại học như bao bạn bè khác của tôi. |
Trích nhật ký Nguyễn Mạnh Huy 19/11/1981 04/04/1982 22/9/1982 27/9/1982 2/10/1982 01/12/1982 6/01/1983 24/4/1983 10/10/1983 18/5/1984 2/7/1984 21/12/1986 30/9/1987 25/10/1987 4/11/1987 ( TT Thanh Niên 23/11/1987) |
Nguyễn Công Thắng
Bình luận (0)