Khi thu thập thông tin thực hiện bài viết “Băm nát” di tích thắng cảnh hồ Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), PV phát hiện Ban Quản lý (BQL) KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm (gọi tắt là BQL), Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng (Trung tâm QLĐT-KTTL Lâm Đồng) - hai đơn vị này được giao quản lý, nhưng mang tài sản nhà nước cho thuê.
Lịch sử để lại ?
|
Tuy nhiên, ông Dân thừa nhận những hợp đồng cho thuê này là do BQL tự thực hiện chứ không có văn bản giấy tờ nào của UBND tỉnh cho phép. Cũng theo BQL, thời gian qua, nhìn chung các hộ kinh doanh thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng đã ký kết về địa điểm, phạm vi, loại hình kinh doanh, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn vài trường hợp cơi nới, xây dựng không có giấy phép xây dựng trong khu vực bảo vệ 1 của di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm. Điển hình trong số này là quán cà phê Pi Ni của Công ty TNHH Li Mi (P.10, TP.Đà Lạt). Đây vốn là nhà điều hành cũ, công ty này thuê từ BQL KDL hồ Tuyền Lâm trước đây. Vào tháng 4.2018, quán cà phê Pi Ni bị cháy, công ty đã xây dựng lại trên hiện trạng cũ. Đáng nói, công trình này không có giấy phép xây dựng theo quy định, chỉ được một vị cấp trưởng phòng của BQL đại diện BQL đồng ý cho công ty này sửa chữa và trở thành quán cà phê khá “hoành tráng” như hiện nay.
Cũng theo ông Phạm Văn Dân, tất cả các hợp đồng BQL cho thuê có tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng/năm. Số tiền này dùng để trả lương cho 5 người lao động hợp đồng và sử dụng vào công việc quản lý của ban.
“Vì đây là khu vực nhà điều hành tạm, BQL đang làm quy hoạch khu trung tâm trình phê duyệt, khi đó sẽ thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Li Mi nói riêng và các ki ốt khác nói chung. Giải quyết việc này (chuyện các hợp đồng cho thuê - PV) cũng phức tạp, vì liên quan đến công ăn việc làm của nhiều lao động ở đây nên BQL sẽ rà soát, xử lý từng bước”, ông Dân nói.
Mình chưa xin nên rõ ràng là không đúng
Trong khi đó, Trung tâm QLĐT-KTTL Lâm Đồng (đơn vị quản lý từ đỉnh đập đến mặt nước hồ) cho hay đang thực hiện 12 hợp đồng trong phạm vi hành lang bảo vệ hồ Tuyền Lâm; trong đó có 5 hợp đồng dịch vụ cung cấp nước thô, 4 hợp đồng sử dụng mặt bằng, 1 hợp đồng thu phí cảnh quan, 2 hợp đồng thuê mặt nước phục vụ du lịch (đạp vịt và du thuyền). Quá trình thực hiện, một số đơn vị đã có vi phạm như xây dựng chòi kinh doanh dịch vụ mà không xin phép; thuê mặt nước kinh doanh đạp vịt, du thuyền nhưng trước khi hoạt động chưa lập thủ tục cấp phép.
Ông Trịnh Quang Ứng, Giám đốc Trung tâm QLĐT-KTTL Lâm Đồng, thừa nhận: “Về nguyên tắc đơn vị được cho thuê nhưng phải xin phép và phải được UBND tỉnh thống nhất. Thế nhưng ở đây, mình chưa xin nên rõ ràng là không đúng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát của trung tâm chưa chặt chẽ và còn thiếu sót, nên xảy ra một số vi phạm của bên được thuê mà không phát hiện kịp thời, một số công trình xong rồi mới biết”.
Cũng theo ông Ứng, tổng giá trị các hợp đồng cho thuê khoảng 300 triệu đồng/năm và được đưa vào chi phí phục vụ quản lý của trung tâm.
“Chức năng của trung tâm được khai thác dịch vụ tổng hợp nên ngoài kinh phí khai thác thì được phép cho thuê để tăng nguồn thu. Các hoạt động cho thuê này diễn ra đã lâu, trước khi Thủ tướng công nhận KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm (tháng 2.2017). Để đảm bảo tính pháp lý cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình, trung tâm cũng đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện cấp phép theo quy định, phù hợp với cảnh quan, du lịch hồ Tuyền Lâm”, ông Ứng cho hay.
Bình luận (0)