Mỹ là cái tên được nhắc nhiều nhất trong tuần qua. Người khổng lồ của thế giới dù "hắt hơi", hay "xổ mũi" cũng khiến thế giới nóng, lạnh. Đằng này, Mỹ lại bị "sốt cao" trong tuần qua với hàng loạt vụ nổ "nóng hổi", từ đánh bom, đến nổ nhà máy, tiếng "đì đoàng" của súng ống và những bức thư chứa chất cực độc nhằm vào Tổng thống Obama và các nghị sĩ.
Tin tức gây chấn động nhất trong tuần này là vào ngày 15.4, xảy ra vụ đáng bom kép ở đích đến cuộc thi marathon Boston, Mỹ, khiến 3 người thiệt mạng và 180 người bị thương.
Hai tiếng nổ liên tiếp cách nhau 12 giây, bắt đầu vào lúc 14 giờ 50 phút (giờ địa phương) tại trung tâm Boston, bang Massachusetts, khiến cả nước Mỹ bàng hoàng, bất an. Lần đầu tiên kể từ sau vụ khủng bố trung tâm thương mại ở New York vào ngày 11.9.2001, nước Mỹ mới lại bị rúng động như thế.
Mặc dù vụ việc đã xảy ra hơn ba ngày và bước đầu xác định vật nổ là loại bom chế tạo bằng nồi áp suất, nhưng Cục Điều tra Liên bang (FBI), vẫn chưa xác định được thủ phạm là cá nhân hay tổ chức, ở trong nước hay nước ngoài, động cơ khủng bố là gì. Chưa bao giờ các cơ quan bảo vệ liên bang lại đứng trước thách thức phải trả lời những câu hỏi như vừa nêu lớn đến như thế.
|
Chính áp lực đó buộc các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ phải vào cuộc bằng mọi giá và chỉ trong vòng bốn ngày (đến ngày 19.4), một nghi phạm bị bắn chết, một bị bắt sống. Hai nghi phạm là anh em, người gốc Chechnya tên Tamerlan Tsarnaev (26 tuổi) và Dzhokar Tsarnaev (19 tuổi). Theo CNN, hai anh em sống tại Cambridge, cạnh Boston và Dzhokar theo học tại ĐH Massachusetts Dartmouth.
Cuộc truy bắt nghẹt thở và gấp gáp như một bộ phim hành động thứ thiệt của Holywood đã diễn ra và cuối cùng công lý cũng được thực thi. Mặc dù tòa án chưa phán xét nhưng hình ảnh tiêu diệt và bắt được nghi phạm vụ đánh bom khủng bố đã phần nào lấy lại lòng tin của người dân Mỹ.
|
** Một ngày sau vụ đánh bom (tức 16.4), thượng nghị sĩ Roger Wicker, đại diện bang Mississippi, đã được cơ quan bảo vệ Mỹ ngăn chặn một bức thư có chứa chất độc ricin gây chết người. Chưa hết, ngày 17.4 một bức thư khác có chứa ricin gửi tới cho ông Obama, nhưng cũng được ngăn chặn kịp thời.
Vụ việc này lại làm dấy lên những quan ngại sẽ có nhiều thư chứa ricin gửi đến cho các nhân vật quan trọng và cơ quan công quyền của Mỹ. Tuy nhiên, chưa thấy mối liên hệ của nó với vụ đánh bom khủng bố ở Boston.
Vẫn còn đang bàng hoàng với vụ đánh bom khủng bố ở Boston, nước Mỹ lại rúng động khi nghe hung tin vào sáng 18.4 một nhà máy sản xuất phân bón phát nổ tại thị trấn West, bang Texas.
Thông tin ban đầu cho hay vụ nổ này cực lớn, “tương tự như quả bom hạt nhân” theo lời mô tả của ông Tommy Muska, Thị trưởng thị trấn West.
|
Hiện chưa rõ số người chết là bao nhiêu, nhưng thông tin ban đầu mà kênh truyền hình KWTX cho biết có khoảng 70 người bị chết và hàng trăm người bị thương trong vụ nổ này. Chính quyền bang Texas đã ban hành lệnh di tản hết 2.700 người dân sinh sống tại thị trấn West, cũng như khuyến cáo những ai sống trong bán kính 5 km của nhà máy chế tạo phân bón nên di chuyển sang nơi khác.
Tất cả những sự vụ dồn dập xảy ra tại nước Mỹ tuần qua đều không có một sự can thiệp nào từ siêu nhiên mà gần như đều do con người tạo ra. Những nguyên nhân và hậu trường phía sau các vụ việc đang khiến giới chức trách Mỹ đau đầu điều tra, làm rõ để ổn định tình hình.
Những tác động của "nhân tai" trong tuần lễ vừa qua trở nên thắng thế so với những thiên tai rải rác khắp thế giới về sự ảnh hưởng.
Trong khi nước Mỹ bàng hoàng về khủng bố thì ngày 16.4, tại Iran và Pakistan người dân lại rúng động, hoảng loạn với trận động đất 7,5 độ Richter ở tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran, gần biên giới với Pakistan. Chấn động của trận động đất nêu trên được cảm nhận rõ tại nhiều quốc gia lân cận như Qatar, Ấn Độ, UAE. Nhiều tòa nhà nơi đây rung lắc, khiến nhiều người hoảng sợ chạy ra đường.
Thông tin từ Pakistan cho hay, có ít nhất 34 người thiệt mạng và khoảng 80 người bị thương, số người bị tử vong tại Iran chưa rõ ràng, nhưng có thể lên tới hàng trăm. Đây là trận động đất lớn nhất trong vòng 40 năm qua của Iran.
Trước đó vào ngày 13.4, một trận động đất mạnh hơn 6 độ Richter xảy ra ở miền tây Nhật Bản khiến 22 người thương vong, nhưng không có cảnh báo về sóng thần.
|
Sau động đất là dịch bệnh. Tại Trung Quốc, tính đến nay (18.4) dịch cúm H7N9 từ miền đông nước này đã lan đến nhiều tỉnh thành khác, kể cả thủ đô Bắc Kinh. Hiện số người nhiễm virut H7N9 đã ở con số 82 và có 17 người bị tử vong.
Điều đáng quan ngại là hiện các nhà y học vẫn chưa xác định được cơ chế lây lan của loại virut mới này, mà mới chỉ thiên về giả thiết nó được lây lan từ các loài chin di trú và gia cầm. Đáng lo hơn nữa là hiện chưa có vắc xin phòng ngừa chủng virus H7N9, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cho đến nay chưa có bằng chứng virus H7N9 lây từ người sang người.
Tại Trung Quốc, nhiều đàn gia cầm bị nghi nhiễm virus H7N9 đã bị thiêu hủy. Người dân cảnh giác không ăn thịt gia cầm, đặc biệt là gà và vịt, khiến ngành công nghiệp chăn nuôi nước này lao đao.
|
|
Bảo Quyên (tổng hợp)
>> Nhật tưởng niệm thảm họa động đất, sóng thần
>> Sao chổi không gây thảm họa Clovis
>> Điều tra thảm họa tại Brazil
>> Tháp lửa trong thảm họa
>> Năm 2012, thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại 160 tỉ USD
>> Nhà chống thảm họa
>> Obama tuyên bố tình trạng thảm họa tại New York
Bình luận (0)