Báo cáo về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5.9 đến 11.9, Bộ Y tế cho hay, số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM giảm 30%, Đồng Nai giảm 50% và Tiền Giang giảm 70%.
Sáng nay, 11.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch trong tuần qua, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng đã giảm
Báo cáo về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5.9 đến 11.9, Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng trong tuần đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%.
Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30% và Tiền Giang giảm 70%.
Về kết quả thực hiện các tiêu chí kiểm soát dịch như sau:
Nhóm 1 (đang kiểm soát tốt dịch bệnh) có 8/23 địa phương: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
Nhóm 2 (đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch), 12/23 địa phương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhóm 3 (cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch), 3/23 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Kiên Giang.
So với tuần trước, các địa phương thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch là: Vĩnh Long, Trà Vinh cải thiện từ nhóm 2 lên nhóm 1 và Long An, Tiền Giang cải thiện từ nhóm 3 lên nhóm 2.
Riêng Kiên Giang có số mắc mới trong cộng đồng gia tăng (69,7%) so với tuần trước đó (chuyển từ nhóm 2 xuống nhóm 3).
Về tình hình dịch tại TP.HCM, báo cáo cho hay, trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong của TP.HCM đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Q.7, Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong.
Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm. Tại Hà Nội sẽ ghi nhận một số ca mắc, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, vẫn sẽ còn các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm trong cộng đồng.
Hơn 27 triệu liều vắc xin đã được tiêm
Tính đến nay, số lượng vắc xin đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ với tổng số 159,97 triệu liều. Trong đó, từ COVAX là 38,9 triệu liều, mua của AZ là 30 triệu liều, mua của Pfizer là 51 triệu liều, tài trợ là 25 triệu liều, viện trợ khoảng 15 triệu liều. Dự kiến số lượng vắc xin về trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều.
Hiện số lượng vắc xin đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều (số vắc xin chưa tiêm còn lại tập trung tại một số địa phương, đơn vị, trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8.9).
Kết quả tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương: TP.HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội đã tiêm 4,4 triệu liều (đạt 77%). Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP.HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vắc xin về Việt Nam, trong đó đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 về khoảng 31,2 triệu liều, tháng 11 về khoảng 23,9 triệu liều, tháng 12 về khoảng 25,5 triệu liều.
Hiện tiếp tục đàm phán với một số nước tổng số 18,9 triệu liều gồm 10 triệu liều với Chính phủ Trung Quốc, 5 triệu với Chính phủ Cu Ba, 3 triệu liều với Chính phủ Ba Lan, 500.000 với Chính phủ Séc và 400.000 với Chính phủ Hungary .
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới.
Bộ Y tế cũng cho rằng, các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định phòng chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.
Bình luận (0)