Cô gái đã may mắn thoát khỏi tay chàng trai nhờ công an kịp đến can thiệp. Nhưng không phải thiếu nữ nào cũng may mắn thoát khỏi phong tục này.
Giáo viên Trường THCS Na Ngoi (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) trò chuyện với một học sinh về tục “bắt vợ” |
K.HOAN |
“Bắt vợ” đã có từ lâu ở đồng bào người Mông và người Thái, thể hiện sự tự do hôn nhân, giúp những chàng trai nghèo không có tiền để lo việc cưới xin. Sau khi yêu nhau, ban đêm, chàng trai đến nhà cô gái để “bắt cóc” cô gái, đưa về nhà mình. 3 ngày sau, gia đình chàng trai đến nhà cô gái để xin cưới và sau bữa cơm rượu liên hoan, cả hai trở thành vợ chồng.
Thay vì mang tính nhân văn như thế, phong tục này đang bị lạm dụng; nhiều trường hợp đã trở thành hành vi cưỡng ép, bắt giữ người trái pháp luật mà nạn nhân là các thiếu nữ. Nhiều nữ sinh mới 13 - 15 tuổi, đang học THCS, về nhà nghỉ Tết Nguyên đán đã bị bắt làm vợ. Một cô giáo dạy THCS ở H.Kỳ Sơn (Nghệ An) bật khóc trước mặt tôi khi kể về một học trò giỏi, có ước mơ học lên đại học, được cô rất kỳ vọng. Nhưng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh này đã bị bắt về làm vợ ở tuổi 15 khiến giấc mơ ấy bị đứt gánh giữa đường.
“Bắt vợ” không chỉ ảnh hưởng xấu đến nòi giống do nạn tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên, nó còn có nguy cơ biến thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do hôn nhân của người khác. Nhiều trường hợp việc “bắt vợ” của người đã thành niên với người dưới 16 tuổi dẫn đến tội giao cấu với trẻ em.
Tại Nghệ An, đề án chống tảo hôn đã có từ 6 năm trước với sự vào cuộc của nhiều ngành, đoàn thể. Nhưng số cặp tảo hôn từ tục “bắt vợ” lại có xu hướng tăng qua các năm sau đó. Một lãnh đạo thực hiện đề án này thừa nhận rất khó để xóa tục “bắt vợ” hoặc giữ cho nó không bị biến tướng, nhưng hiện nay vẫn phải kiên trì với đề án để hy vọng làm thay đổi dần nhận thức của trẻ vùng cao về sức khỏe nòi giống và quy định của luật pháp.
Bình luận (0)