Túi sinh học tự hủy từ phế phẩm của bắp

05/11/2020 09:15 GMT+7

Để giảm thiểu rác thải ra môi trường, nhóm sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã lên ý tưởng sản xuất túi sinh học làm từ phế phẩm của bắp.

Cả 3 thành viên đều tên Nhi gồm Nguyễn Ngọc Bảo Nhi (Khoa Môi trường), Lê Trần Yến Nhi (Khoa Sinh học) và Phạm Nguyệt Nhi (Khoa Hóa học) đã nghiên cứu và chế tạo thành công túi sinh học tự hủy hoàn toàn trong môi trường.
Dự án Túi sinh học lọt vào tốp 10 và đoạt giải Hạt giống tiềm năng trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2020 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Bảo Nhi cho biết ban đầu nhóm nghiên cứu trên những nguyên liệu khác như cây mạ, lá dừa… nhưng độ bền cơ học không được cao. Với túi từ phế phẩm của bắp, khả năng chịu lực lên đến 5 - 7 kg, độ dai từ 100 - 150 lần so với giấy viết thông thường. Đồng thời, sau khi khảo sát ở nhà vườn Long Khánh (Đồng Nai), nhóm nhận thấy phần phế phẩm của bắp đều đem đốt bỏ hoặc cho bò ăn. “Từ đó, tụi mình quyết định chọn nguyên liệu từ cây bắp, vừa thân thiện môi trường, vừa tăng thu nhập cho bà con”, Yến Nhi chia sẻ.
Theo khảo sát của nhóm, hiện nay trên thị trường chưa có túi giấy nào làm từ phế phẩm của bắp. Đây là túi tự hủy hoàn toàn, không dùng thêm phụ gia hay bất cứ chất nào gây ảnh hưởng đến môi trường, mà ngược lại, túi sau khi phân hủy sẽ thành chất hữu cơ để bón cây hoặc làm thức ăn cho trùn quế, sâu bọ cải tạo đất.
Anh Nguyễn Văn Quý (người hướng dẫn dự án, Phó chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) nhận xét: “Điểm mạnh lớn nhất của dự án là tính thân thiện với môi trường cộng với công nghệ tiên tiến nên chất lượng sản phẩm rất tốt ”.
Hiện nay, người tiêu dùng thích sử dụng sản phẩm gần gũi với thiên nhiên để bảo vệ môi trường. Do đó, túi sinh học của nhóm còn góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, giảm lượng giấy tái chế, giảm cả phụ phẩm hóa học dùng tái chế và giảm áp lực lên các nhà máy xử lý rác thải hay tái chế.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.