Hiện anh Diện là Giám đốc Công ty TNHH môi trường Nano. Sản phẩm của anh và cộng sự đã được đưa vào ứng dụng tại hơn 20 công trình xử lý nước thải công nghiệp và 30 phòng khám, bệnh viện ở các tỉnh, thành phía nam, đáp ứng được yêu cầu chất lượng tương đương máy nhập ngoại từ châu u nhưng chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành.
Để đạt được điều này, Diện và các kỹ sư cộng sự của anh đã mất hơn 5 năm nghiên cứu và nhiều lúc tưởng chừng phải chấm dứt vì hết tiền và cả bế tắc hướng đi.
Suốt thời gian nghiên cứu chế tạo máy ozone công nghiệp phục vụ xử lý môi trường, tài sản của vợ chồng Diện để dành lần lượt ra đi, bán cả đất đai, nhà cửa chỉ dành cho mục tiêu phải chế tạo thành công máy ozone.
“Thời gian đầu công việc bế tắc, tài sản lần lượt ra đi, tôi bị áp lực ghê gớm. Mặc dù bán nhà đi ở đậu nhưng cũng may, vợ tôi luôn an ủi và động viên. Trong một lần gặp gỡ với người bạn, tôi bức xúc nói những khó khăn khi nghiên cứu thì một anh bạn ngồi chung bàn gợi ý: tại sao không thử áp dụng công nghệ nano vào máy ozone xem sao? Người đó là tiến sĩ Tống Duy Hiển, Phó giám đốc Phòng Thí nghiệm công nghệ nano (ĐH Quốc gia TP.HCM)”, anh Diện nói.
|
Cuộc gặp gỡ tình cờ đã giải quyết được cơ bản lối ra cho công trình nghiên cứu máy ozone. Ngay sáng hôm sau, tiến sĩ Hiển đã có cuộc gặp gỡ với anh em kỹ sư của công ty và trình bày hướng xử lý đưa công nghệ nano vào máy ozone. Ngay sau đó, Công ty TNHH môi trường Nano đã nộp hồ sơ trình bày ý tưởng đến Ban quản lý đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) để xin kinh phí thực hiện, xét thấy đây là một trong những sản phẩm rất cần để phục vụ cho xử lý môi trường hiện nay, vì vậy IPP đã kịp thời động viên và tài trợ kinh phí 90.000 USD để tiếp tục cải tiến và nâng cấp máy. Sau thời gian làm việc cật lực cùng với các chuyên gia của ĐH Quốc gia TP.HCM, Diện và các kỹ sư cộng sự đã hoàn thành nghiên cứu cải tiến và nâng cấp toàn diện từ trong ra ngoài cho máy ozone công nghiệp.
Máy nano ozone có những ưu điểm như: mẫu mã nhỏ gọn, hiệu quả, điều khiển tự động, tiết kiệm điện năng lượng, hoạt động ổn định và quan trọng hơn, máy đã xử lý được mùi, màu và diệt khuẩn trong nước thải, nước sinh hoạt, nước tinh khiết, xử lý mùi nơi công cộng và các nhà máy...
Từ máy ozone công nghiệp, Diện và các cộng sự đã tiếp tục ứng dụng thành công công nghệ ozone vào để sản xuất modul xử lý nước thải cho các phòng khám bệnh. Diện cho biết, hiện có rất nhiều phòng khám y tế tư nhân “bỏ ngỏ” khâu xử lý nước thải vì việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải vừa khó khăn, tốn nhiều kinh phí. Đó là chưa kể đến việc phần lớn các phòng khám phải đi thuê mặt bằng và chủ nhà không cho đào, đục, thay đổi diện mạo mặt bằng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải truyền thống; hay việc phòng khám mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải được một thời gian thì chủ nhà lấy lại mặt bằng.
Chính vì thế, với ưu điểm và công dụng là nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích, không phải đào bới xây dựng bể chứa, dễ dàng di chuyển khi cần thiết, không gây tiếng ồn và phát mùi khi hoạt động… Modul xử lý nước thải phòng khám ra đời đã đáp ứng được các yêu cầu trên. Mới đưa ra thị trường trong thời gian ngắn, nhưng hiện modul xử lý nước thải mới này đã được triển khai tại trên 30 phòng khám và bệnh viện ở khu vực các tỉnh thành phía nam.
Hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đàm phán để mua toàn bộ công trình nghiên cứu của anh. Dù được trả giá hàng triệu USD nhưng Diện không bán. Anh nói: “Mình muốn phát triển hơn nữa công trình nghiên cứu này. Nếu bán đi thì mình có tiền nhưng cũng trở thành người làm công thôi. Mình muốn nó trở thành một sản phẩm công nghệ Việt Nam để xuất khẩu”.
Thiên Long
>> Người sáng chế bếp tiết kiệm than
>> Tháng Thanh niên: Sáng chế vì sức khỏe con người
>> Apple đã đăng ký bằng sáng chế iWatch?
>> Apple nhận bằng sáng chế "lướt để mở
>> Đồng sáng chế tính năng RSS tự sát ở tuổi 26
Bình luận (0)