Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau

28/03/2024 10:00 GMT+7

Từng là thủ khoa đầu vào cùng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Nguyễn Quỳnh Châu bỏ hết lại phía sau, trở về quê khởi nghiệp trồng rau.

Bỏ việc văn phòng, về quê trồng rau

Nguyễn Quỳnh Châu (24 tuổi), quê ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Thăng Long. Năm 2018, Châu là thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM khối D07. Đến năm 2022 Châu tốt nghiệp trường ĐH này với tấm bằng xuất sắc.

Cũng như nhiều sinh viên ở trường, mục tiêu ban đầu của Châu sau khi ra trường được vào các công ty đa quốc gia làm việc với mức lương cao. Thế là sau khi ra trường, Châu tìm việc và từng trải qua nhiều công ty khởi nghiệp, với các mô hình khác nhau. Dù làm việc, nhưng Châu cảm thấy bản thân vẫn còn mơ hồ, chưa có định hướng tương lai cụ thể.

Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau- Ảnh 1.

Quỳnh Châu với dự án khởi nghiệp trồng rau hữu cơ

Dạ Thảo

Bước ngoặt đã làm Châu thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về mục tiêu đi làm sau khi đọc qua một bộ sách. Bộ sách đã cho cô sự bứt phá trong tư duy, xây dựng sự nghiệp riêng, không lệ thuộc bởi bất kỳ công ty, tổ chức nào, và dễ dàng đạt được mục tiêu tự do tài chính hơn so với việc làm thuê cho người khác. Châu nhìn lại những tấm gương khởi nghiệp xung quanh, thấy hợp lý nên quyết định theo con đường khởi nghiệp.

Ngày ra quyết định về quê làm vườn, Châu gặp sự phản đối nhiều từ gia đình. Vì từ nhỏ, Châu được ba mẹ nuôi lớn bằng nghề nông, với nhiều cực khổ, vất vả để có tiền cho cô vào ĐH và mong muốn con mình sau khi ra trường sẽ có công việc ổn định, mang danh ở công ty lớn. Nên lần này, ba mẹ sợ Châu lại khổ cực, không kiếm được tiền, dễ rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Trước khi bỏ phố về quê, Châu cùng đội ngũ của mình lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch khởi nghiệp trên mảnh đất của gia đình. Đội ngũ của Châu gồm những người đã có kinh nghiệm trong nhiều dự án khởi nghiệp trước đó. Vào tháng 12.2022, Châu bắt đầu dự án, khi đó cô là một trong những người trực tiếp trồng rau thử nghiệm trên vườn mẫu 100 m2. Nhờ khí chất con nhà nông, nên từ việc trồng rau, nhổ cỏ, lặt nụ, hái dâu, cắt hoa, bó hoa… Châu đều làm thành thạo. Những ngày đầu bắt tay trực tiếp xuống vườn, mệt do nắng nóng, nhưng cô vẫn thích vì tinh thần luôn thoải mái, không bị gò bó như làm việc văn phòng.

Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau- Ảnh 2.

Dự án cho thuê vườn rau và quản lý từ xa của Châu

Dạ Thảo

Mô hình khởi nghiệp của Châu có tên là 21m2 Goods - Đơn vị vận hành và quản lý nông nghiệp sạch. "Nói đơn giản là tôi cho khách ở các thành phố lớn thuê đất vườn và nhân công ở Đà Lạt. Đồng thời, khách được chọn loại rau ưa thích, sau đó chúng tôi trồng, tới ngày thu hoạch sẽ chuyển đến "tận bàn ăn". Mỗi khách có một khu vườn riêng, có bảng tên, và được xem vườn hàng ngày qua camera", Châu chia sẻ.

Châu cho biết thêm toàn bộ quy trình trồng rau được giám sát và thực thi bởi đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, nông dân có kinh nghiệm. Quy trình "trồng rau từ xa" đảm bảo chuẩn hướng hữu cơ như: không thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất bảo quản và chất tăng trưởng.

Xa hơn, Châu và đội ngũ muốn xây dựng định nghĩa mới cho ngành nông nghiệp "5 sao". Bằng cách kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt sự phụ thuộc vào các kênh phân phối trung gian, đồng thời tạo ra môi trường xanh mang lại nhiều giá trị hơn. Khi trải nghiệm "nông nghiệp 5 sao", khách hàng được tận mắt chứng kiến những luống rau lớn lên từng ngày, được ăn rau sạch với mức giá hợp lý. Còn về phía nông dân, họ được nhận lại giá trị xứng đáng với công sức bỏ ra, không bị ép giá nông sản bởi thương lái.

Xây dựng mô hình quản lý từ xa

Châu không dành hết thời gian nhiều vào nông nghiệp, nên mỗi khâu cô đều chuyên môn hóa rạch ròi. Châu không còn phải xuống vườn trực tiếp trồng rau, vì đã có đội ngũ trồng, chăm sóc và chuyên gia về nông nghiệp, với sự cố vấn và đồng hành của chuyên gia đến từ ĐH Kiel ở nước Đức. 

Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau- Ảnh 3.

Mỗi người thuê vườn sẽ được gắn bảng tên để phân biệt

Dạ Thảo

Châu cảm thấy đã làm được trong quá trình chuyển đổi số chung của thời đại đó là thay đổi cách mọi người ăn rau sạch: "Khách hàng ngồi ở nhà, nhắn tin đặt hàng cho vườn, quan sát qua camera, rồi đến ngày thu hoạch có rau sạch hữu cơ đến tận nhà".

Châu cho hay khởi nghiệp ngành này khó nhất đó là thay đổi quan điểm của khách hàng về rau sạch. Cho nên, Châu đi từ ý tưởng trồng rau "cho nhà ăn". Khi đã có những khách hàng đầu tiên nhận rau, chia sẻ cảm nhận khi ăn sản phẩm ở vườn với rau mua ở ngoài. Từ đó, Châu lấy nó làm tiền đề, để các khách sau có niềm tin vào mô hình, về định nghĩa mới về rau sạch, và dần dần được nhiều người đón nhận hơn.

Trung bình 5 m2 đất vườn Châu cho thuê với giá 430.000 đồng/tháng, bao gồm giống, nhân công và khâu vận chuyển. Để đạt doanh thu, Châu cố gắng đưa mô hình đến càng nhiều người biết càng tốt, thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể hơn Châu xây dựng những kênh trực tuyến tiếp cận khách hàng một cách bài bản. Còn về sản xuất nông nghiệp, vì không phải chịu áp lực từ thương lái, sản phẩm được đi thẳng từ vườn đến tay người tiêu dùng, nên Châu rất tự tin về sản lượng, chất lượng và giá rau khi "xuất xưởng".

Hiện tại, cơ ngơi của Châu đã có gần 200 hộ gia đình thuê vườn, đội ngũ có 10 người, bao gồm vận hành và trồng trọt. Nhóm của Châu được nhiều khách hàng hiện tại hài lòng về chất lượng, rau được nhận hàng tuần, mặc dù trong khâu vận hành vẫn còn nhiều thiếu sót đang cần hoàn thiện.

Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau- Ảnh 4.

Vườn rau được quan sát từ camera

Dạ Thảo

Dù mới khởi nghiệp trong thời gian ngắn nhưng có lúc Châu nhìn lại từng ý định từ bỏ, vì nhiều áp lực trái chiều như: "Không trồng được đâu, người ta xịt thuốc cây còn không sống nổi, không thuốc lấy gì mà thu hoạch cho khách". Chưa kể, những lúc quy trình rối ren, chưa ổn định, làm nhiều nhưng không có kết quả, mô hình còn mới nên khách hàng còn nhiều nghi ngờ.

Nhưng nhờ đồng đội cho những lời khuyên, chia sẻ khó khăn với nhau, định hướng trong lúc Châu muốn bỏ cuộc nhất. "Khi mô hình đã có nhiều người biết đến, tin dùng và cho những phản hồi tốt, tôi đã cảm thấy tin tưởng hơn vào việc mình làm, và là động lực cho tôi trên con đường mở rộng dự án khởi nghiệp trồng rau sắp tới", Châu bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.