Tuổi 20 ở Trường Sa

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
31/03/2018 08:39 GMT+7

Họ là những chiến sĩ tuổi đôi mươi đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, luôn chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc và đầy tình cảm khi nghĩ về người thân ở đất liền...

Nhớ vòng tay mẹ mỗi chiều
Chiến sĩ Nguyễn Trần Tuấn Khanh, 20 tuổi, đang học dở năm 2 Đại học Công nghiệp TP.HCM thì xung phong đi bộ đội. Khi Khanh đang học THPT thì bố bị đột quỵ, mất. Vài năm sau, 2 mẹ con chuyển nơi ở từ P.9, Q.3, TP.HCM xuống Q.12 thuê căn phòng 21 m2 tá túc. Mẹ Khanh là bà Nguyễn Ngọc Ngoan (47 tuổi) bán hàng ăn sáng ở ngã ba Rạch Bùng Binh - Bà Huyện Thanh Quan (P.9, Q.3) từ nhiều năm nay nên mỗi ngày từ nơi thuê trọ lên chỗ bán hàng, chạy xe máy đến 12 km.
“Xưa, nhà ở với chỗ bán hàng gần. Từ khi ra Q.12, mỗi ngày mẹ phải đi gần 30 km bán hàng”, Khanh kể và liệt kê: “Chiều chạy lên chuẩn bị hàng rồi về nhà lúc 21 giờ. 4 giờ sáng lại chạy lên để dọn bán đến gần trưa”. Thương mẹ, mỗi ngày Khanh dậy sớm chạy xe máy chở mẹ lên chỗ bán hàng rồi lụi hụi phụ mẹ dọn ghế, bưng bê, lau chén bát cho đến giờ đi học, mới tót lên xe phi đến trường. Khanh tốt nghiệp Trường THCS - THPT Hồng Hà (P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM), thi đỗ chuyên ngành điện lạnh của Đại học Công nghiệp TP.HCM, học đến năm thứ 2 thì nhập ngũ vào huấn luyện tân binh tại Vùng 4 Hải quân đóng ngoài căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa).
“Hôm trúng tuyển, mẹ em lên Ban Chỉ huy quân sự của phường nằng nặc: Các chú cho tôi đi bộ đội cùng thằng Khanh. Nhà có 2 mẹ con, nó đi thì tôi ở với ai?”, Khanh kể với tôi khi ngồi nói chuyện trên bờ kè đảo Sinh Tồn Đông và nói: 6 tháng huấn luyện, tháng nào mẹ cũng vất vả đón xe đò từ TP.HCM ra thăm, khư khư mấy món ăn con thích như gà chiên nước mắm, bò kho… ép anh em cùng phòng ăn cho hết, xong lại tất tả ra Mỹ Ca, vẫy xe về lại ngay trong đêm. Hôm trước khi xuống tàu ra Trường Sa nhận nhiệm vụ, mẹ Khanh ra tận nơi thăm và dúi xấp tiền bắt con mua đồ dùng trong 1 năm trời ngoài biển, Khanh chỉ lấy 150.000 đồng mua mấy túi bánh gạo, ăn dọc hải trình cả chục ngày từ Cam Ranh ra đảo. Tôi tò mò: “Sao chỉ 150.000 đồng?”. Khanh nói: “Mỗi ngày mẹ bán hàng chỉ lời 100.000 đồng, lấy nhiều, mẹ lấy tiền đâu sống”. Giúp mẹ bán hàng từ khi học tiểu học, nên Khanh rất lo mẹ một mình đi lại bán buôn. “Vào bộ đội nửa năm, nhưng cứ 4 giờ sáng là em giật mình tỉnh giấc vì quen cữ dậy giúp mẹ nấu nướng, dọn hàng. Hồi đầu, lo nhất là sáng sớm mẹ đi xe máy một mình từ Q.12 lên Q.3. Đường vắng, khuya lạnh và nhiều bất an. Sau phải nói mãi, mẹ mới chịu ở nhờ người nhà gần chỗ bán hàng”, Khanh nói và thật thà: “Lúc nào cũng nhớ vòng tay mẹ ôm ngang, khi em chở mẹ lúc sáng sớm lên chỗ bán hàng”.
Hỏi về ước mơ, Khanh ngượng nghịu: “Hết nghĩa vụ sẽ lại đi học đi làm để kiếm tiền mua căn nhà rộng cho mẹ ở thoải mái, không phải ở căn phòng 21 m2 chật chội. Nhà chỉ 2 mẹ con, chắc ở vậy chăm mẹ, không lấy vợ đâu anh!”.
Mẹ không có tiền, chỉ mua mỡ làm kho quẹt gửi con
Ai ở chợ nghèo Xóm Chiếu (P.14, Q.4, TP.HCM) cũng biết bà Huỳnh Thị Hóa (40 tuổi) bán hủ tiếu cuối chợ. Bà Hóa rất nghèo nhưng luôn đi làm công quả ở chùa, vận động đồ ăn tặng những người vô gia cư. Bà Hóa là mẹ của hạ sĩ Lê Quốc Bảo, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo chìm Đá Lớn A, Trường Sa. Bảo năm nay 20 tuổi, do nhà quá nghèo, 3 mẹ con sống nhờ vào gánh hàng rong ngoài chợ, nên học đến lớp 9, Bảo phải nghỉ học đi làm thêm, lấy tiền phụ mẹ nuôi em gái ăn học. Hôm ra Đá Lớn A, tôi chú ý đến chiến sĩ da đen cháy, má lúm đồng tiền, chăm chỉ mọi việc bếp núc, dọn dẹp, hỏi mới biết: “Con người Sài Gòn, ở nhà phụ mẹ bán hàng ngoài chợ quen rồi, nên vất vả thêm chút cũng hổng có sao”.
6 tháng Bảo được huấn luyện tân binh ở Cam Ranh, bà Hóa cố gắng lắm cũng ra thăm con 2 lần. Nhà nghèo, không có tiền mua thịt làm ruốc, bà mua mỡ làm món kho quẹt Bảo thích ăn, bưng ra chia cho con và đồng đội. Biết gia cảnh, lần ra thăm con trước khi con ra đảo, bà con trong chợ góp tiền, đồ ăn cho bà Hóa lễ mễ bưng ra. “Em dặn con: Mình nghèo cần chăm chỉ, ngoan. Vào bộ đội phải coi mọi người ở cùng như trong gia đình và có gì ăn cũng chia sẻ. Đừng bao giờ làm điều xấu”, bà Hóa nói trong nước mắt như vậy khi kể chuyện về con trai và nói thật: “Tôi không biết chữ, nên khi Bảo phải nghỉ học đi làm thuê lấy tiền phụ nuôi em gái, cũng đứt từng khúc ruột. Con giờ đi xa, sẽ gắng dành dụm để khi về nó học lại”.
Ngồi nói chuyện với tôi, Bảo kể: Ngày xưa ở nhà có mẹ lo đủ thứ. Ra đảo vất vả, mới thấy thương và nhớ mẹ mỗi ngày thức khuya, dậy sớm bán hàng kiếm từng đồng nuôi 2 anh em. Mỗi tuần được gọi điện về gia đình, cứ phải khoe ngoài này đồ ăn thức uống rất nhiều, ăn đủ món ngon trong bờ không có, để mẹ khỏi khóc, khỏi lo! “Hết nghĩa vụ, em sẽ đi làm thêm nhiều hơn để mua được sạp hàng ngoài chợ, cho mẹ khỏi bán hàng rong cơ cực”, hạ sĩ Lê Quốc Bảo nói vậy, buổi chiều trên biển Trường Sa.
Chiến sĩ gác trên đảo Sinh Tồn Đông
Bố tặng con bài hát về Trường Sa
Hạ sĩ Hồ Xuân Hậu, 20 tuổi, sinh ra, lớn lên ở TT.Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận), hiện đang làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn Đông. Bố của Hậu là ông Hồ Xuân Hải làm nghề cá, có khi lênh đênh trên biển cả mấy tháng trời nên khi biết con trai đầu đi bộ đội hải quân, mừng đến phát khóc. Hồi con trai huấn luyện, ông Hải huy động gia đình của cả chục chiến sĩ ở TT.Phan Rí Cửa đang huấn luyện ngoài Cam Ranh, góp tiền thuê nguyên chuyến xe đò ra thăm con. “Cả bố mạ và em gái Hồ Kỳ Hương Giang ra thăm từ nơi ở cho đến khu ăn uống cho yên tâm. Khi về, em Giang cứ nằng nặc đòi anh phải về cùng để chiều chiều chở em đi tắm biển”, Hậu kể lại và cười: “Em cứ phải nói dối là tháng sau sẽ về thì em mới nín khóc và mỗi tuần gọi điện về, em Giang đều nhắc”.
Trước ngày xuống tàu ra đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ, Hậu gọi điện thoại cho gia đình thông báo. Bố Hậu sau khi căn dặn con, liền hát bài Gần lắm Trường Sa tặng con trai và hứa: “Chuyến biển đầu năm sẽ hướng ra Trường Sa và đi ngang qua đảo vẫy chào con”, khiến Hậu vốn tính cứng rắn, nghe được mấy câu hát cũng không cầm lòng, rơm rớm nước mắt.
Tôi rời Trường Sa về đất liền, nhìn lên Sinh Tồn Đông, Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao… đâu cũng thấy những người lính đang sẵn sàng trên chòi canh, trận địa. Trên đầu họ, cờ Tổ quốc bay phần phật kiên trung. “Ngoài đảo, lúc nào cũng đỏ màu cờ. Đó còn là màu máu của tuổi trẻ chúng em cống hiến cho gia đình - người thân - đồng bào trong bờ”, hạ sĩ Khanh nói với tôi vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.