Nhiều bộ phận của cây được dùng làm món ăn bài thuốc tốt trong dân gian, giúp người đầu bạc lẫn kẻ đầu xanh thêm vững gối, sáng trí.
>> Dặn em đừng cắn “nho rừng”
>> Bánh lá ấp ủ tình quê
Theo một số tài liệu đông y, nhàu rừng nên thuốc hơn nhàu vườn. Một số lão nông tây Nam bộ cho biết, con dơi cũng thích ăn trái nhàu. Họ dự đoán, chính loài chim ăn đêm này góp phần gieo hạt giống nhàu mọc khắp nơi.
Lá non - vàng miếng cho sức khỏe
|
Dẫu sao, “có thực mới vực được đạo” xin bộc tả vài món ngon từ lá non cây này. Thông dụng nhất là om hoặc xào với thịt rắn, lươn, chim cò... Thử hái mớ lá non từ cây không trồng mà mọc vừa kể, rửa sạch, xắt nhuyễn, rồi “tống tiễn” chú rắn hổ hành nặng trên 1kg/con. “Ban nhạc lễ”, có nhúm tiêu sọ giã ba, vài ba trái ớt hiểm, một củ nghệ tươi bị... “bạo hành” (quết nhuyễn). Nổi bậc nhất là nửa chén nước cốt dừa, trắng tươi, “sụt sùi” thật diễm tình (nổi bong bóng nhỏ).
Ăn kiểu Trung hoặc Bắc, không thể thiếu mấy chiếc bánh đa nướng. Bẻ ra nghe rôm rốp, dùng miếng bánh làm muỗng múc mồi. Miếng ngon không chỉ có nhạc trỗi lên (tiếng bánh vỡ vụn do nhai) mà còn đan xen mùi thơm hăng nhẹ, cùng các vị: ngọt, béo, bùi... hấp dẫn đến quên thôi.
Riêng dân Nam thì giản tiện hơn, dùng muỗng xúc thẳng, nhai bỏm bẻm, trước khi ngửa cổ uống cạn ly rượu đế và khà một tiếng rõ to.
Lá nhàu non sở hữu duy nhất một độ đắng đến... nhăn mặt. Nếu đứng riêng lẻ, nó không khác loại rau... vô duyên, vì không có hậu ngọt hoặc chát tựa lá sầu đâu, rau đắng, khổ qua.... Song khi kết hợp trong vật thực, nó tạo nên một độ nhấn nhá nhất định, khiến người ăn thêm ấn tượng. Bởi nó góp phần kích thích dịch vị, tạo cảm giác thèm ăn và nhiều công dụng bổ ích khác.
Tuy nhiên, vẫn có người không cởi mở với vị đắng của lá nhàu. Một phần do họ thiếu thông tin về nó. Đồng thời, họ còn nhiều rau cỏ khác “có trước có sau” (vị đầu và vị hậu) hơn để lựa chọn như lá cách, lá lốt...
Cùng địa phận tỉnh Long An, nhiều dân vùng sâu Mộc Hóa ăn nhàu rất sành. Ở vùng đất còn nhiễm phèn nặng này, vào mùa nắng, các loại rau thông thường phải héo tàn, chỉ cây nhàu sống khỏe. Sang thị trấn Đức Huệ, cùng tỉnh, gặp một số người không khoái đám lá cây đắng “trân mình” đã nêu. Mặc, đám nhàu vẫn cứ mọc xanh um.
Trái và rễ - ngọc trời cho!
Ngoài ra, trái nhàu có khả năng giúp trị chứng chứng đau nửa đầu khá hiệu quả, ít tốn kém. Cần biết, nền y tế nước Mỹ và không ít dân Hoa Kỳ đang đau khổ về những cơn đau kiểu này. Chúng “có quyền” hành hạ bất chợt người bệnh, khiến họ đau đớn hơn búa bổ hoặc đến độ “chết đi... sống lại”! Thế mới thấm thía lời phán của tiền nhân, đại ý: dân ta sống và chết trên đống thuốc Nam mà không hay!
|
Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên bày cách sơ chế trái nhàu như sau: hái trái già, da căng (nở gai) màu trắng tươi đem giú vào hủ (khạp) muối hột. Dùng ăn tươi, hoặc đợi chín rục đem ngâm với rượu nếp và vài giọt mật ong rừng. Trái chín tươi có mùi hơi nồng, vị chua cay.
Mỗi lần lặn lội về vườn dược liệu của anh Ba Bé, ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, chúng tôi thích nhất là được uống rượu mật nhàu. Rượu thơm dìu dịu, ánh màu hổ phách, vị rất “đằm” (không cay hỗn), hậu ngọt thanh. Men vào lời ra, chuyện Đông chuyện Tây mãi đến 2 - 3 giờ khuya, sáng dậy người vẫn không mỏi mệt và nặng đầu như những trận “tửu chiến” ở Sài Gòn.
Một anh bạn chủ quán ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bàn rằng, uống rượu nhàu là để... đẩy bệnh tật té trước ta mới đúng bài. Có nghĩa mỗi bữa ăn, uống 1 -2 ly nhỏ thôi, thường xuyên sẽ tốt hơn uống... dồn. Anh lại ca: “Hai tay bưng hủ rượu nhàu là rượu nhàu. Bữa say mà bửa xỉn, té nhào là nhào xuống mương, coi chừng giống... ễnh ương. Nhàu là nhào quá tay!”
Sang lĩnh vực tây y, rễ cây nhàu cũng được xem trọng. Nhiều giáo sư đầu ngành đã quan tâm nghiên cứu, như: Caujolle, giám đốc Trung Tâm khảo cứu quốc gia Pháp về độc tính của các chất; Youngken thuộc trường đại học Dược khoa Massachusette; Ikeda làm việc ở Trung Tâm Nghiên cứu vệ sinh quốc gia Nhật Bản… Cuối cùng, họ thống nhất về các tác dụng dược lý của rễ nhàu: “Nhuận tràng nhẹ, lợi tiểu nhẹ và lâu dài. Làm êm dịu thần kinh trên thần kinh giao cảm. Hạ huyết áp kéo dài. Rất ít độc và không làm nghiện”.
Có một giai đoạn, thương lái Trung Quốc lùng mua rễ nhàu để làm thuốc. Rễ càng lớn, giá càng cao, khiến họ cây nghe có vẻ Lưu Linh này, một phen điêu đứng ở miền Nam.
Thật ra không chỉ có các cây: nhàu, lá cách... mới sống “hai mặt”. Con người cũng không ngoại lệ. Có người mặt tươi như hoa, miệng lưỡi dẻo quẹo không khác kẹo mạch nha, giọng nói ngọt ngào không thua mía lùi nhưng bụng dạ lại hẹp hòi. Ngược lại, có kẻ mặt hầm hầm, nói năng cộc lốc song ít nghĩ phương kế hại ai. Vậy nên, ta cần điềm tĩnh hơn! Tất nhiên, nói luôn dễ hơn... làm.
Theo y thực triều Nguyễn, lá nhàu non và trái nhàu chín dùng hỗ trợ tim mạch, hệ thần kinh, tuần hoàn não, giúp gan điều tiết mật thuận lợi. Nếu ăn các bộ phận này đúng cách, thường xuyên sẽ ngừa trị chứng đau nửa đầu. Còn lương y Lê Ngọc Vân, chủ tịch Hội đông y, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, cho rằng, trái nhàu có tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu; lá làm tăng lực, hạ sốt, điều hòa kinh nguyệt. |
Tạ Tri
Tài liệu tham khảo:
“Rắn biển um lá nhàu” trang 220 – 221, dược sĩ Bùi Kim Tùng, sách Món Ăn Bài Thuốc, tập 3.
Bình luận (0)