Tính đến phút 45 của trận đấu cuối cùng vòng bảng, số lần sút hỏng phạt đền của đội tuyển Tây Ban Nha vẫn cao gấp đôi so với số bàn thắng mà họ tự ghi được ở EURO này. Còn trong toàn giải, tỷ lệ sút hỏng phạt đền ở vòng đấu bảng là gần một nửa (6 quả sút hỏng, nếu là 7 quả thì đúng một nửa). Vậy nên, đừng vội dè bỉu rằng Cristiano Ronaldo ghi bàn chủ yếu từ chấm phạt đền.
Ghi được bàn thắng từ chấm phạt đền, nhất là trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, thì mới đáng phục. Không ít ngôi sao “hèn nhát” từng… trốn đá phạt đền. Rất nhiều siêu sao thường xuyên sút hỏng phạt đền. Lionel Messi sút hỏng 9/42 quả trong 5 năm nay. Hơn hẳn Messi trong khía cạnh này, Cristiano Ronaldo đáng được gọi là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử. Trước mắt, Ronaldo đã thật sự là vĩ đại nhất, trong thành tích ghi bàn cho đội tuyển quốc gia.
Hai quả phạt đền thành công trong trận hòa Pháp 2-2 giúp Cristiano Ronaldo bắt kịp kỷ lục của Ali Daei (Iran) về thành tích ghi bàn cho đội tuyển quốc gia (109 bàn). Chỉ trong nay mai, cột mốc này gần như chắc chắn sẽ bị xô ngã, để Ronaldo một mình dẫn đầu. Ronaldo cũng đã qua mặt Miroslav Klose (Đức) để trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất ở hai giải đấu lớn EURO, World Cup (hiện là 21 bàn, dĩ nhiên chưa thể dừng lại).
|
Kỷ lục ghi bàn tại EURO, vốn đã là của riêng Ronaldo sau khi anh vượt qua cột mốc 9 bàn cùng chia sẻ với Michel Platini (Pháp), ở trận ra quân thắng Hungary 3-0, hiện đã lên đến 14 và chưa phải con số cuối cùng. Ronaldo mà tiếp tục ghi bàn và Bồ Đào Nha đi tiếp, thì chuyện ít ai có thể tưởng tượng sẽ lờ mờ hiện ra. Ngay cả kỷ lục “coi như vĩnh viễn” của Platini - ghi 9 bàn trong một kỳ EURO - cũng sẽ bị đe dọa?
Ronaldo đang sở hữu kỷ lục ghi bàn ở 5 VCK EURO, đương nhiên đồng nghĩa tham dự 5 kỳ EURO (cũng là một kỷ lục). Còn kỷ lục sút thành công 3 quả phạt đền trong một kỳ EURO của anh thì chưa dừng lại. Ronaldo cũng đã trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất xưa nay từng lập “cú đúp” ở trận địa EURO. Có thể chờ đợi kỷ lục cầu thủ già nhất lập được hat-trick?
Trong 7 bàn thắng của Bồ Đào Nha tại vòng đấu bảng, có đến 6 quả liên quan trực tiếp với Ronaldo (ghi 5, kiến tạo 1). Một mặt, thiên hạ nhai đi nhai lại, đầy vẻ ganh tị, rằng Bồ Đào Nha quá phụ thuộc vào Ronaldo. Nhưng sao nói vậy, biết vậy, mà vẫn không ai ngăn cản được Ronaldo ghi bàn hoặc kiến tạo? Vì anh (và HLV Fernando Santos) quá giỏi? Mặt khác, điều này dẫn đến nhận định: Bồ Đào Nha mà tiến xa tại EURO này thì có hai điều gần như chắc chắn: số bàn thắng của Ronaldo sẽ tăng lên, và anh sẽ là ngôi sao số 1 của giải.
|
Ban đầu, Ronaldo là cầu thủ chạy cánh thuần túy. Theo thời gian, anh thường xuyên di chuyển vào giữa, và khi trở thành cầu thủ trung tâm trong mọi pha tấn công của Bồ Đào Nha, thì vấn đề không phải là biên hay trung lộ, mà là Ronaldo tự do di chuyển, tùy theo tình huống cụ thể. Hóa ra, vẫn còn nét mới tại EURO này: anh đá ở vị trí trung phong nhiều nhất. Ngoài vấn đề chiến thuật, do HLV Santos bài binh bố trận, thì điều quan trọng là bản thân Ronaldo phải rất thông minh trong cách chơi riêng của chính mình.
Ở trận gặp Đức, Cristiano Ronaldo chạy với tốc độ cực đại suốt chiều dài sân, để ghi bàn bằng pha đệm bóng cận thành. Không phải quá nhanh hay quá khỏe, mà là Ronaldo biết cách chơi bóng sao cho không bao giờ tốn sức, lại đọc tình huống quá tuyệt vời. Cũng như tại EURO 2016, Ronaldo biết cách “dừng trên không trung” để ghi bàn từ pha đội đầu không thể chống đỡ vậy.
Bình luận (0)