Được tạo tác bởi bàn tay của người Rapa Nui từ giữa thế kỷ 13-16, những bức tượng đầu đá này được gọi là “moai” và có giả thuyết cho rằng người xưa đã dựng lên chúng để phục vụ cho nghi thức tế lễ nào đó có liên quan đến khía cạnh sinh sản và sự màu mỡ của đất đai trên đảo Phục Sinh.
Tổng cộng có vài trăm bức tượng được dựng lên khắp hòn đảo, với tượng lớn nhất cao 10m và nặng khoảng 82 tấn.
Báo cáo mới, đăng trên chuyên san Archaeological Science, tập trung vào 2 bức tượng vẫn còn nằm ở mỏ đá, vốn là nơi sản xuất hầu hết số tượng moai trên đảo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các mẫu đất tại khu vực này rất phù hợp để trồng trọt và cày bừa.
Giáo sư Sarah Sherwood của Đại học miền Nam ở Sewanee, bang Tennessee (Mỹ), cho hay nhóm của bà đã tìm ra nhiều khoáng chất như canxi và phốt pho với hàm lượng cao tại nơi lẽ ra chúng không thể hiện diện.
Trong khi đất đai ở những nơi khác trên đảo Phục Sinh lâm vào tình trạng mất đi dưỡng chất trầm trọng vì xói mòn và các tác động khác, chất lượng đất xung quanh mỏ đá thật sự hoàn hảo cho việc làm nông.
Bình luận (0)