Hành Thiện
Trước đây, Cố Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh Đức Thiện nổi tiếng là một vị tướng đốc chiến. Ông xuất thân là tướng Hậu cần Quân đội trong chiến tranh và khi cầm quân, ông đã thể hiện là con người của hành động. Khi Chính phủ cần ông, dù ở ngành cơ khí luyện kim hay dầu khí rồi ngành GTVT, tướng Thiện luôn bộc lộ bản lĩnh và năng lực của mình khá xuất sắc. Không hiểu sao, rất vô tình, Bộ GTVT bây giờ lại có thêm Bộ trưởng Đinh La Thăng (cũng họ Đinh), về khả năng đốc chiến, xem ra cũng rất giống người tiền nhiệm của vài chục năm trước.
Câu chuyện mấy hôm rồi ở con suối Nậm Pồ (xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) với những đứa trẻ hoặc cô giáo phải chui vào túi nilon để qua suối đang làm chấn động dư luận cả nước. Dù còn đang tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, đọc trên báo điện tử, Bộ trưởng Thăng, ngay trong đêm đã điện về hỏi lãnh đạo ngành GTVT tỉnh Điện Biên tình hình cụ thể rồi thống nhất với nhau sẽ triển khai ngay cây cầu tại địa điểm nói trên để sớm chấm dứt cảnh cô và trò thay nhau chui vào túi nilon buộc túm, nhờ người lôi qua suối, đầy nguy hiểm và thật ngậm ngùi làm sao!
Được biết, từ khi được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT, ông Thăng được coi là nhân vật "tư lệnh" ngành làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Từ chuyện khuyến cáo lãnh đạo trong ngành bớt chơi golf vào ngày nghỉ để dành sức cho công việc không phải ai trong đối tượng mà ông "nắm gáy" cũng vui lòng ủng hộ bởi lẽ nó động chạm tới "quyền riêng tư" của cá nhân mỗi người. Song, về cơ bản, nó được lòng dư luận vẫn là nhiều hơn. Với người lãnh đạo mà muốn được lòng cấp dưới, lúc nào cũng tròn vo, tôi nghĩ ít người dám làm vậy.
Rồi quyết định "trảm tướng" ở sân bay Đà Nẵng vì thi công chậm tiến độ cũng khá nhạy cảm, song ông Thăng vẫn làm khá mạnh mẽ. Cũng từ câu chuyện ban đầu ấy mà hàng loạt công trình của ngành giao thông sau đó được làm khá nhanh, có cái vượt tiến độ tới vài tháng. Tiết kiệm cho khoản vốn vay nước ngoài cả trăm tỉ đồng và ông cũng khen thưởng kịp thời để động viên họ.
Có ý kiến nói rằng, ở cương vị Tư lệnh ngành như ông Thăng, giá như Bộ trưởng dành thời gian cho các quyết sách mang tính chiến lược dăm, ba chục năm sau thì hơn và mới đúng tầm của một Bộ trưởng, còn nếu cứ chỉ có đốc chiến không cũng không nên vì ngộ nhỡ vài hôm nữa, ở một tỉnh nào đó lại có cảnh học trò ngồi trên thúng đẩy qua sông đi học xuất hiện nữa thì nguồn kinh phí xây cầu dự trữ của Trung ương có còn nữa không để làm khẩn cấp như vừa rồi?
Tôi cũng đồng tình phần nào với quan điểm này. Song, theo tôi, nếu chỉ làm tốt khâu "tầm nhìn" mà thiếu sự "đốc chiến" thì cũng không ổn. Hãy nhìn vào một ví dụ gần đây nhất cũng của ngành GTVT gây thảm hoạ khôn lường do gia công ắc neo sai quy cách, gây đứt cáp cầu treo Chu Va (Lai Châu) cách đây chưa lâu. Nếu không có “tướng” Thăng lên tận nơi kiểm tra hiện trường rồi chỉ đạo rốt ráo thì e rằng kết luận về sự cố chưa hẳn đã nhanh đến thế! Nếu không có cú điện thoại nhờ Bộ trưởng Y tế tăng cường chuyên gia giỏi từ Hà Nội lên thì e rằng số người thiệt mạng khó được giảm thiểu tối đa như thế!
|
Thực tế cho thấy, trong công tác điều hành của người lãnh đạo, dù là ở cấp nào, nếu người đứng đầu mà cứ "tròn vo", ngại động chạm thì rất trớ trêu, những người như vậy lại hay được lòng nhiều phía và không loại trừ thăng tiến nhanh. Còn người mạnh mẽ quá, thẳng quá, chưa hẳn đã được lòng tất cả và có khi bị "soi" khá kỹ để tìm kẽ hở mà chỉ trích, mà "uýnh" lại khi có cơ hội.
Một đất nước như thế và nếu còn có những người như thế, e rằng sẽ không còn phù hợp trong xu hướng phát triển của xã hội hôm nay khi mà sức ỳ của nó còn khá lớn. Chúng ta nên có một cách nhìn khác!
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sinh sống tại Hà Nội.
Bình luận (0)