Khác với Syria, lực lượng nổi dậy ở Iraq không chỉ thách thức mà còn thực sự đe dọa sự tồn tại của chính thể Iraq. Nhiều khả năng tương lai tới đây của Iraq có thể sẽ chính là tình trạng hỗn loạn và bạo lực, giao tranh và thù địch nội bộ mà nước này đã trải qua trong thời chiến.
Chính phủ Iraq xem ra bất lực cả về đối sách lẫn khả năng quân sự và vì thế đang chờ mong, trông cậy vào sự hậu thuẫn, thậm chí cả can dự quân sự trực tiếp của những đồng minh và đối tác đã dựng nên chính họ trong quá khứ. Các nước này sẽ buộc phải viện trợ quân sự và tài chính nhưng chắc chắn sẽ không can dự trực tiếp về quân sự.
Có hai lý do chính đưa đến thảm trạng hiện tại và tương lai không sáng sủa của Iraq. Nguyên nhân thứ nhất nằm ở chính phủ hiện tại, vốn không có đủ khả năng kiểm soát và quản lý toàn bộ lãnh thổ, không có ý định thực sự hòa hợp và hòa giải dân tộc, lại tham nhũng và sa đà tranh giành quyền lực nội bộ nên mất dần sự ủng hộ và tin cậy trong dân. Một khi dân không còn ủng hộ thì họ sẵn sàng hậu thuẫn bất kể lực lượng nào đối địch với chính phủ như ISIL.
Thứ hai, không chỉ ở Iraq mà còn ở gần như khắp nơi trong khu vực đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tổ chức Hồi giáo, kể cả các lực lượng vũ trang Hồi giáo cực đoan. Đối với ISIL, đó chẳng khác gì là thiên thời sau khi đã giành được nhân hòa ở Iraq.
La Phù
>> Phiến quân chiếm thành phố lớn thứ hai ở Iraq
>> Bạo lực dữ dội ở Iraq
>> Iraq mua 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ của Czech
Bình luận (0)