Tương lai nào cho thỏa thuận ngũ cốc Ukraine?

25/02/2023 14:54 GMT+7

Lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đang giảm đi nhanh chóng trong vài tuần trở lại đây, làm dấy lên lo ngại về các tác động lớn tới an ninh lương thực thế giới.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, dầu hướng dương và nhiều sản phẩm nông nghiệp của Ukraine bị đóng băng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đến tháng 7.2022 vấn đề này được giải quyết khi Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ Sáng kiến ngũ cốc biển Đen (hay còn gọi là Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen) tại thành phố Istanbul nhằm tạo ra một hành lang hàng hải an toàn để tạo điều kiện khởi động lại hoạt động xuất khẩu từ các cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhny của Ukraine.

Nga và Liên Hiệp Quốc cũng ký một bản ghi nhớ nêu rõ nghĩa vụ của Liên Hiệp Quốc trong việc loại bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

Lúa mì được đổ lên tàu MV Valsamitis do Liên Hiệp Quốc thuê tại cảng Chornomorsk, Ukraine để chuyển đến Kenya và Ethiopia ngày 18.2

Lúa mì được đổ lên tàu MV Valsamitis do Liên Hiệp Quốc thuê tại cảng Chornomorsk, Ukraine để chuyển đến Kenya và Ethiopia ngày 18.2

AFP

Tháng 11.2022, sáng kiến được gia hạn thêm 120 ngày. Thông qua hành lang ngũ cốc biển Đen, đã có khoảng hơn 21,1 triệu tấn nông sản được vận chuyển, trong đó có 10 triệu tấn bắp, 6 triệu tấn lúa mì. Ngoài ra còn có các mặt hàng khác như hạt cải dầu, dầu hướng dương, bột hướng dương và lúa mạch. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine giảm khá mạnh.

Ukraine tìm cách gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sụt giảm

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối chung ở Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ), xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương của Ukraine vào tháng 1.2023 vào khoảng 3 triệu tấn (giảm 3,7 triệu tấn so với tháng 12.2022). Theo kế hoạch, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng này trong tháng 2 vào khoảng 2,8 triệu tấn, tuy nhiên, đến ngày 22.2 mới đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Đây là một trong những tác nhân khiến giá lúa mì thế giới tăng tới 10% trong tháng qua, lên mức 8 USD/bushel. Một bushel lúa mì tương đương khoảng 27 kg.

Tờ The Wall Street Journal ước tính việc sụt giảm lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine tương đương với khoảng một tháng tiêu thụ thực phẩm của cả Kenya và Somalia cộng lại. Điều này làm dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh lương thực với khu vực châu Phi, Trung Đông và một số vùng ở châu Á - những nơi phụ thuộc vào nguồn cung cấp lương thực giá cả phải chăng từ Ukraine.

Ngày 15.2 vừa qua, Ukraine đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức việc cản trở các chuyến hàng ngũ cốc và không sử dụng lương thực làm "vũ khí".

Các chuyên gia đánh giá hành lang ngũ cốc đã giúp phục hồi một phần kim ngạch xuất khẩu lương thực của Ukraine nhưng vẫn nằm dưới mức được ghi nhận trước cuộc chiến và sẽ không phục hồi bình thường trong tương lai gần.

Nguyên nhân sụt giảm

Thứ nhất, hiện nay một số nhà giao dịch đang tỏ ra thận trọng khi thực hiện hợp đồng mua bán ngũ cốc với Ukraine vì lo ngại Moscow sẽ không gia hạn thỏa thuận sắp hết hạn này. Hơn nữa, họ cũng lo ngại hàng hóa bị kẹt vì quy trình kiểm tra kéo dài.

Ông Andrey Sisov, Tổng giám đốc Hãng tư vấn nông nghiệp SovEcon ở khu vực biển Đen, cho biết trung bình mỗi tàu hàng cần phải mất từ 5 - 6 tuần mới có thể ra khỏi khu vực biển Đen, chủ yếu là do ách tắc trong khâu kiểm tra và thanh sát tàu chở ngũ cốc. Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine cho biết số lượng tàu đang bị ách lại để kiểm tra, thanh sát là 140 chiếc, tăng nhiều so với mức dưới 100 chiếc hồi đầu năm 2023.

Các tàu chở ngũ cốc neo tại Istanbul ngày 11.12.2022 chờ thanh sát

Các tàu chở ngũ cốc neo tại Istanbul ngày 11.12.2022 chờ thanh sát

REUTERS

Một số quan chức cấp cao Ukraine như Phó Thủ tướng Oleksandr Kubrakov và Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba cho rằng Nga cố tình làm chậm quá trình kiểm tra, yêu cầu cung cấp tài liệu không theo quy định và tìm kiếm những lý do vô căn cứ để dừng việc kiểm tra. Họ cáo buộc, các chính sách này của Nga dẫn đến sự sụt giảm có hệ thống doanh thu vận chuyển hàng hóa qua hành lang ngũ cốc. Đồng thời, các quan chức Ukraine lưu ý rằng "thế giới đã không nhận được 10 triệu tấn lương thực của Ukraine trong 3 tháng qua".

Các quan chức Mỹ như Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cũng đổ lỗi cho Nga về sự chậm trễ trên khi nói rằng việc cung cấp lương thực cho các quốc gia dễ bị tổn thương đang bị đình trệ.

Thứ hai, các yếu tố như thời tiết xấu cản trở công việc của các thanh tra viên, nhu cầu của các chủ hàng tham gia sáng kiến, hoạt động của cảng và sức chứa của tàu cũng ảnh hưởng đến các chuyến hàng vận chuyển ngũ cốc.

Xem nhanh: đã qua 365 ngày, xung đột sẽ còn nóng hơn, lan rộng?

Thứ ba, Ukraine cáo buộc Nga cản trở hoạt động theo thỏa thuận, làm sụt giảm lượng ngũ cốc xuất khẩu theo thỏa thuận nhằm "tận dụng cơ hội vận chuyển thương mại không bị gián đoạn từ các cảng biển Đen của Nga".

Số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv cho thấy xuất khẩu lúa mì của Nga tính từ tháng 1.2022 (thời điểm trước xung đột) đã tăng hơn gấp đôi lên 3,8 triệu tấn vào tháng trước.

Tuy nhiên, ông Alexander Pchelyakov, phát ngôn viên Phái đoàn ngoại giao Nga tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định các cáo buộc về "sự chậm lại có chủ ý đơn giản là không đúng sự thật". Hơn nữa, các quan chức Nga cũng phàn nàn rằng phân bón của nước này không được xuất khẩu theo thỏa thuận, khiến việc gia hạn thỏa thuận gặp nhiều khó khăn.

Tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua eo biển Bosphorus tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2.11.2022

Tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua eo biển Bosphorus tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2.11.2022

REUTERS

Tương lai nào cho sáng kiến?

Sáng kiến ngũ cốc biển Đen sẽ cần được gia hạn muộn nhất vào ngày 20.3 nhằm tiếp tục khai thông hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Điều phối viên của Liên Hiệp Quốc về Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen Abdullah Dashti lưu ý rằng việc gia hạn thỏa thuận sẽ tiếp tục tạo nên những thành tựu đáng kể, đồng thời nhấn mạnh cả ngũ cốc và phân bón đều là những mặt hàng quan trọng để giải quyết toàn diện tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là Nga đang có dấu hiệu cho thấy họ không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận. Ngày 13.2, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình RTVI, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen là "không phù hợp" trừ khi các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Nga được dỡ bỏ và các vấn đề khác được giải quyết.

Hôm 18.2, ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cảnh báo việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sẽ là thảm họa khi hàng triệu người ở châu Phi đang trên bờ vực của nạn đói.

Về phía Ukraine, giới chức nước này mới đây cho biết sẽ đề xuất với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm ít nhất 1 năm nữa. Kyiv cũng dự kiến kiến nghị đưa thêm cảng Mykolaiv vào thỏa thuận. Trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, có tới 35% ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu qua cảng Mykolaiv. Do đó, nếu bổ sung thêm cảng này, Ukraine sẽ xuất khẩu được nhiều ngũ cốc và hạt có dầu hơn.

Một số nguồn tin cũng cho biết, thỏa thuận ngũ cốc có thể sẽ được thảo luận ở cấp cao nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã có tác động rất lớn đến vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Sáng kiến ngũ cốc biển Đen giống như "ngọn hải đăng giữa biển đêm mịt mùng", đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất ở châu Phi, Trung Đông và một số khu vực ở châu Á, nhất là khi họ đã phải trải qua những tháng ngày tồi tệ do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh sáng kiến sắp đến ngày hết hạn, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy việc gia hạn sáng kiến này còn khá nhiều "chông chênh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.