Tướng Lê Chiêm đề nghị phải truy tố vụ đóng tàu kém chất lượng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/05/2018 14:18 GMT+7

Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, việc các cơ sở đóng tàu không thực hiện cam kết về chất lượng tàu đóng cho ngư dân , dẫn tới hậu quả là ngư dân vẫn nợ ngân hàng, trong khi các tàu thuyền không ra khơi được.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 22.5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Lê Chiêm nhìn nhận, 2 năm qua, việc thực hiện Nghị định 67 của Thủ tướng trong việc hỗ trợ đóng tàu công suất cao cho ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ trong vùng biển của Việt Nam là rất hiệu quả. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong việc triển khai thực hiện Nghị định này.
Ông Chiêm cho hay, vấn đề nổi lên nhất chính là việc các nhà máy đóng tàu không thực hiện cam kết, tàu chất lượng không cao, hỏng hóc nhiều, thậm chí có những tàu đóng xong không ra khơi được.
“Đây là khuyết điểm rất lớn trong các hợp đồng giữa ngư dân với các nhà máy đóng tàu. Hiện nay, một số ngư dân nợ ngân hàng vẫn còn nhưng tàu thuyền vẫn không ra biển được. Từ một chủ trương hỗ trợ ngư dân, việc đóng tàu đang trở thành nguyên nhân gây ra cái nghèo, cái khó cho người dân”, ông Chiêm nói.
Bên cạnh đó, ông Chiêm cũng cho rằng, việc ngư dân không thể ra khơi không chỉ không phát huy được nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn tới việc bảo vệ chủ quyền trên biển, vì ngư dân là những người góp phần rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước ta.
Nói về việc giải quyết vấn đề nêu trên, ông Chiêm cho rằng, cách thức giải quyết lâu nay chưa thấu đáo, nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương chưa giải quyết một cách dứt điểm.
“Trong vấn đề này, lỗi ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Phải truy tố để giải quyết dứt điểm. Bây giờ người ta vay tiền của ngân hàng đưa cho anh để đóng tàu mà tàu anh đóng không đạt tiêu chuẩn rồi nói trên trời dưới đất thì không minh bạch, không thẳng thắn”, ông Chiêm gay gắt và cho rằng, cần có biện pháp giải quyết kiên quyết hơn.
Ngoài ra, theo ông Chiêm, mặc dù hợp đồng giữa người dân và nhà máy đóng tàu là hợp đồng dân sự, song nhà nước, chính quyền cũng cần có sự tham gia hỗ trợ để giải quyết thỏa đáng cho người dân. “Ngư dân bỏ tiền ra đó là mồ hôi và nước mắt, công sức của họ vì vậy cần giải quyết thỏa đáng, đền bù thỏa đáng cho người dân để người dân không bị thiệt thòi. Bởi vì đây là chính sách ưu đãi cho người dân của chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ. 
Một số tàu cá đóng xong không thể ra khơi
Liên quan tới vấn đề này, kết quả kiểm toán 2017 của Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách còn có tồn tại làm hạn chế đến tính hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Cụ thể, việc ban hành chế độ, chính sách còn chưa đầy đủ, đồng bộ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện chính sách; một số nội dung chính sách chưa được triển khai thực hiện như hỗ trợ nuôi trồng hải sản; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
Chính sách thiết kế mẫu tàu vỏ vật liệu mới triển khai thực hiện chậm (đến cuối năm 2016 mới hoàn thành và công bố 21 mẫu) dẫn đến nhiều tàu vỏ vật liệu mới không có thiết kế mẫu, phải thuê thiết kế ngoài, làm tăng chi phí đầu tư của chủ tàu. Ngoài ra, do mẫu tàu thiết kế chưa phù hợp với yêu cầu của chủ tàu và tập quán sử dụng theo vùng miền, dẫn đến nhiều tàu đóng mới không áp dụng mẫu thiết kế, chủ tàu tự thuê thiết kế.
Chất lượng đóng tàu còn chưa đảm bảo, dẫn đến một số tàu cá đóng xong không thể ra khơi (Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên…)
Công tác cho vay đóng mới chưa được các địa phương tích cực triển khai, một số chi nhánh Ngân hàng thương mại tại địa phương chưa thực hiện cho vay nên đến hết năm 2016 kết quả thực hiện chính sách cho vay đóng mới đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Cho vay, hỗ trợ sai đối tượng; xác định lãi suất hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho một số ngư dân còn chưa đầy đủ; hỗ trợ khi chưa đảm bảo đầy đủ hồ sơ; xác định sai tỷ lệ phí bảo hiểm; chưa điều chỉnh kỳ hạn cho vay; khách hàng vay vốn chưa chấp hành thanh toán nợ và lãi đến hạn theo cam kết...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.