Sáng 23.3, không khí làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ mỹ thuật Tân Việt, P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) khá khẩn trương. Hàng chục công nhân tập trung vào các công đoạn chà nhám, cắt gọt, sơn phết... Anh Nguyễn Viết Tây - Giám đốc Tân Việt, cho biết: "Khách hàng từ nước ngoài đang hối thúc nhanh sản phẩm đặt hàng là các bức tượng Phật khổng lồ cao 50m nên công nhân đang phải đẩy nhanh tiến độ. Công nghệ làm tượng hiện nay đang có sự đổi mới, chuyển từ tượng bằng gạch đá, xi măng sang tượng bằng mút xốp bên trong và phủ lớp composite bên ngoài. Năm 2022, sản lượng sản xuất của chúng tôi trên 1.000 sản phẩm. Trong số đó có khoảng 30% xuất khẩu vào châu Mỹ, Âu, Singapore, Úc... Nhu cầu đặt hàng các loại sản phẩm tương tự đang tăng cao. Doanh số năm 2022 công ty đạt 16 tỉ đồng và năm nay ước tính lên 25 tỉ đồng".
Khảo sát một số doanh nghiệp cho thấy, lĩnh vực sản xuất linh vật, phù điêu, phụ kiện trang trí, tượng Phật... dù chỉ là thị trường ngách nhưng nhu cầu luôn cao. Các dịp lễ hội, đường hoa, hội hoa xuân... là thời điểm hút hàng nhiều nhất. Trong đó gây bão dư luận phải kể đến những linh vật ngộ nghĩnh, luôn là tâm điểm của sự chú ý, dù đôi lúc được xem là "thảm họa".
Đối thủ lớn nhất của hàng Việt Nam chính là các sản phẩm có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc. Trong đó, Đài Loan nhỉnh hơn doanh nghiệp Việt Nam ở khâu thiết kế, mẫu mã, trong khi các đối thủ Trung Quốc vượt trội về năng lực sản xuất số lượng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thế mạnh riêng trong lĩnh vực này, đó là giá thành sản xuất rẻ và có nguồn nguyên liệu đa dạng.
Công nghệ sản xuất các sản phẩm mút xốp cũng được nâng cấp dần để tiệm cận trình độ sản xuất trên thế giới. Anh Nguyễn Viết Tây cho biết: "Năm 2016, công ty nhập máy cắt CNC đầu tiên, đến năm 2017 nhập máy CNC thứ 2, từ năm 2018 đến nay đã nhập thêm 4 cánh tay robot để thực hiện công đoạn cắt, điêu khắc".
Với việc đầu tư thêm máy móc hiện đại, ngành sản xuất điêu khắc linh vật của Việt Nam sẽ tăng thêm sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Bình luận (0)